Ngày 30/11, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” giai đoạn 2010 – 2020, theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định Nguyễn Mỹ Quang cho biết: Từ khi thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” (Đề án 1956), nhận thức của các cấp, ngành và người lao động về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã thay đổi rõ rệt.
Hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về đào tạo nghề được hình thành từ tỉnh xuống cơ sở. Công tác quản lý dạy nghề của tỉnh được đổi mới, đẩy mạnh phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ cho cấp huyện; liên kết giữa chính quyền địa phương với các doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm đã được thực hiện tốt.
Từ năm 2010 - 2020, tỉnh Bình Định đã đào tạo nghề theo 3 cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp và sơ cấp) cho 202.480 người, với tổng kinh phí 183 tỉ đồng. Qua thực hiện Đề án, tại tỉnh Bình Định đã hình thành một số mô hình có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, đang được triển khai nhân rộng.
Có thể kể đến mô hình đào tạo chăn nuôi gia súc, gia cầm (gà thả vườn); nghề mây tre đan; may công nghiệp; nghề mộc thủ công mỹ nghệ; trồng rau an toàn; mô hình nuôi tôm, đào tạo nghề nấu ăn… Các mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đều được gắn với giải quyết việc làm, tạo ra nhiều việc làm mới, thu nhập của người dân được tăng lên, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Giai đoạn 2021 - 2025, Bình Định phấn đấu đào tạo nghề cho hơn 100.000 lượt lao động nông thôn (trong đó, cao đẳng nghề 8.135 người, trung cấp nghề 9.153 người, sơ cấp và đào tạo theo chương trình 84.406 người). Đến năm 2025, tỉ lệ lao động qua đào tạo và bồi dưỡng nghề của tỉnh phấn đấu đạt 66%; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm mới bình quân năm đạt 70-80%.
Tuy vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Định còn tồn tại một số hạn chế. Trong đó, việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở một số địa phương còn chậm; chưa xác định được thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để đề xuất đào tạo ngành nghề phù hợp. Chất lượng đào tạo nghề ở một số nghề còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động và chuyển đổi cơ cầu ngành nghề tại địa phương.