Sáng nay 12/11, tọa đàm chủ đề “Nguồn nhân lực nông thôn ở đâu trong thời 4.0?” đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là hoạt động do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN- Bộ LĐTB&XH) tổ chức.
Tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã triển khai được 10 năm (Quyết định 1956 ban hành năm 2009). Tại đây, các chuyên gia, khách mời đã chia sẻ thẳng thắn về thực trạng, tồn tại về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua.
TS Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN đánh giá, sau 10 năm thực hiện Đề án nói trên, số lượng lao động nông thôn được đào tạo, nâng cao kỹ năng không ngừng tăng lên. Bình quân mỗi năm có trên 1 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề. Tỉ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt từ 78-81%. Đây là một bước phát triển lớn, đóng góp lớn trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, theo ông Khánh, để đáp ứng các phân tầng của thị trường lao động, chúng ta phải có những chương trình đào tạo phù hợp để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề nghiệp, Tổng Cục GDNN đưa ra một số con số đáng quan tâm, chúng ta có 37,1 triệu lao động nông thôn, chiếm 66% lao động, tỉ lệ thất nghiệp 69%. Trong đó chỉ có tỉ lệ 24% lao động qua đào tạo. Do đó, việc nâng cao chất lượng lao động là tất yếu.
Ông Đồng Văn ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đảng Cơ điện Hà Nội nêu thực tế rằng, một vài doanh nghiệp lớn ở Việt Nam sử dụng tới khoảng 100.000 lao động nhưng chỉ đào tạo cho lao động kỹ năng và năng lực thực hiện công việc cụ thể, chứ không đào tạo kiến thức hệ thống cho lao động. Điều này dẫn tới việc lao động làm việc cho doanh nghiệp vài năm rồi nghỉ việc, ra xã hội rất khó kiếm việc làm khác vì không có trình độ, kỹ năng đầy đủ.
Theo ông Ngọc, hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn triển khai 10 năm qua cần được ghi nhận. Nhưng sứ mệnh của Đề án này không thể dừng lại ở đây, bởi dừng lại sẽ làm mất cơ hội đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, sau giai đoạn này, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần tiến đến những phân khúc cao hơn, áp dụng công nghệ cao, tự động hóa để sản xuất nông nghiệp cho năng suất cao, hiệu quả tốt hơn nữa.
Ông Ngọc cũng đề nghị cần quan tâm sâu sát đối với vấn đề đào tạo bài bản, có hệ thống cho lao động nông thôn trước khi đưa họ vào làm việc trong doanh nghiệp.
Ông Lê Đức Thịnh, cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT cho biết ngành nông nghiệp hiện nay biến đổi liên tục, người lao động trong khu vực này gặp rất nhiều khó khăn trong việc chọn nghề. Hiện nay ngoài chuyển tải kiến thức cho người lao động thì bên đào tạo cần phải chuyển tải cho họ kiến thức thị trường, kiến thức quản trị, niềm tin và khát vọng vươn lên.
Đại diện người lao động ở nông thôn ra thành phố được mời đến dự tọa đàm, anh Đàm Văn Thực, một tài xế xe công nghệ tại Hà Nội cho biết, dù thu nhập của anh hiện tại đủ nuôi sống gia đình, nhưng nếu được quay trở về quá khứ anh sẽ chọn học nghề.
Theo thống kê năm 2019, lực lượng lao động ở nông thôn chiếm 66,6% lực lượng lao động cả nước. Thanh niên nông thôn ngày nay có xu hướng ra đô thị tìm việc làm đơn giản, chịu rất nhiều rủi ro, không có tương lai lâu dài. Hiện nay có 67% người thất nghiệp là lao động giản đơn. Đó là một sự phí phạm rất lớn về nguồn lực xã hội. Trong khi đó thị trường rất cần lao động được đào tạo nghề, nhưng xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu đó.
Tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia cũng chỉ ra, sắp tới xã hội sẽ phải chịu thách thức rất lớn khi những lao động làm công việc đơn giản trong các khu công nghiệp bị sa thải. Nếu lực lượng này không được bồi dưỡng, cập nhật, học một ngành nghề chuyên nghiệp thì khả năng thất nghiệp rất cao. Việc đào tạo lại lực lượng này là một vấn đề đang được đặt ra.
Theo ông Đỗ Năng Khánh, việc đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực nông thôn nói riêng và nhân lực nói chung là một thách thức lớn. Ở góc độ quản lý, chính sách cần phái thiết thực hơn để định hướng nghề nghiệp cho người lao động.
Cùng với đó, ông Khánh chia sẻ, thực tế hiện nay rất nhiều bạn chọn nhầm nghề, tốn kém rất nhiều nguồn lực cho xã hội. Phân luồng lao động chúng ta đã được đặt ra từ rất lâu nhưng chưa thực hiện được. Từ khi Luật giáo dục nghề nghiệp ra đời, cho phép học sinh THCS học tiếp lên trung cấp, được miễn học phí thì tuyển sinh học nghề đã và đang có những thay đổi. Trong giai đoạn tới cần tăng tỉ lệ thanh niên theo đuổi học nghề.