Sáng nay 16/12, tại Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã diễn ra Diễn đàn “Đổi mới đào tạo báo chí truyền thông trong kỷ nguyên số”. Diễn đàn được tổ chức kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến với nhiều điểm cầu trên cả nước.
Thực hiện Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giao đoạn 2010 - 2024" năm 2021, Bộ TTTT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành có liên quan tổ chức Diễn đàn “Đổi mới đào tạo Báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số”.
Tham dự diễn đàn có ông Lê Quốc Minh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Anh Tuấn; ông Đặng Xuân Phương, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội. Diễn đàn còn có sự tham gia của nhiều nhà quản lý, đại diện các cơ quan báo chí và đơn vị đào tạo báo chí trên cả nước.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho biết: Sự phát triển của khoa học công nghệ mang lại cả cơ hội, thách thức và thay đổi mô hình việc làm của nhiều lực lượng lao động trong xã hội, trong đó có lĩnh vực báo chí, truyền thông.
Nguồn nhân lực trong lĩnh vực này không chỉ cần năng lực chuyên môn mà cần đáp ứng được nhiều yêu cầu khác về đạo đức, trách nhiệm, tính bí mật, tính minh bạch...
Thực tế, các đơn vị đào tạo nguồn nhân lực này đã có nhiều đổi mới, tuy nhiên chủ yếu vẫn đào tạo theo cách truyền thống nên hiện nay đang phải “gồng mình” trong thời đại công nghệ số. Nhiều sinh viên ra trường không đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức, kĩ năng trong tác nghiệp báo chí số.
Bởi vậy, rất cần sự thay đổi trong chương trình đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông để bắt kịp với sự phát triển của công nghệ và truyền thông trong kỷ nguyên số.
Diễn đàn đã trao đổi, đánh giá thực trạng về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí truyền thông hiện nay; những mô hình đào tạo báo chí, truyền thông trên thế giới; những cơ hội và thách thức đồng thời đưa ra những giải pháp về đào tạo báo chí, truyền thông thời đại 4.0…
TS Nguyễn Minh Phong, Biên tập viên cao cấp Báo Nhân Dân cho rằng, bản lĩnh chính trị của nhà báo đặc biệt quan trọng trong bối cảnh bùng nổ truyền thông toàn cầu và là vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo.
Theo đó, bản lĩnh chính trị của nhà báo thể hiện ở sự vững vàng trong quan điểm, lập trường chính trị, sự kiên định, ý chí trung thành với lý tưởng mà mình đã chọn…
Ông Phong khẳng định, nhà báo trong kỷ nguyên số phải là những người đa năng và đa nhiệm, chuyên nghiệp ở tất cả các khâu trong quá trình thực hiện một tác phẩm báo chí. Không những vậy, nhà báo cũng phải biết sử dụng và khai thác triệt để truyền thông xã hội để phục vụ cho mình.
Do đó, trong công tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông có bản lĩnh chính trị, ông Phong đề xuất cần xây dựng hệ giá trị chuẩn quốc gia về vấn đề này.
Dưới góc độ của cơ quan sử dụng nguồn nhân lực báo chí, truyền thông, ThS Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, trong kỷ nguyên số, cách tiếp cận thông tin của công chúng đã có nhiều thay đổi, do vậy báo chí cũng phải đổi mới về tư duy làm báo, thói quen tác nghiệp, bởi vậy, việc đào tạo báo chí truyền thông cũng cần sự thay đổi mạnh mẽ.
Từ đó, ông Quang đề xuất việc đổi mới đào tạo theo nguyên tắc 3 chữ “K” bao gồm: Kiến thức - Kỹ năng - Kỹ thuật và công nghệ. Nếu hội tụ đủ 3 chữ K một cách chuẩn chỉ thì học viên tốt nghiệp ra làm nghề sẽ “vững như kiềng 3 chân”.
Dưới góc độ của của cơ sở đào tạo báo chí truyền thông, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đề xuất: Trong quá trình đào tạo nguồn lực báo chí truyền thông kỷ nguyên số phải luôn cập nhật những xu hướng đào tạo mới, cách làm hiệu qủa và hiện đại.
Trong đó sinh viên phải được thực hành liên tục trong quá trình học tập tại trường và được thực tế tại các cơ quan báo chí; đưa các dự án thực tiễn vào môn học và đưa các sản phẩm của môn học vào thực tiễn.
Không những vậy, các cơ sở đào tạo báo chí cũng phải thường xuyên mời những nhà quản lý, chuyên gia, nhà báo thực sự đang hoạt động nổi bật và có nhiều thành tích trong thực tiễn đến chia sẻ kinh nghiệm và truyền cảm hứng.
Bày tỏ băn khăn, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang cho biết, hiện nay, đào tạo báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói riêng và các cơ sở đào tạo báo chí nói chung đang phải “tự thân vận động”, tự vận dụng các mối quan hệ cá nhân để có thể mời những chuyên gia, nhà báo giỏi… về thỉnh giảng, hoặc để đưa sinh viên đến các cơ quan thực tập.
Chưa có sự gắn kết, cơ chế nào đó để có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước với công tác đào tạo báo chí, truyền thông.
PGS.TS Giang đề xuất, cần thêm nữa những sáng kiến, gợi mở đề có sự gắn kết sâu sắc hơn giữa các cơ quan đào tạo báo chí và các cơ quan báo chí trong thời gian sắp tới.
Cũng là một trong những đại diện của các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Viện trưởng Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) đề xuất với Bộ TTTT về việc nghiên cứu các quy định cấp thẻ nhà báo. Theo đó, nếu nhà báo không được đào tạo đúng chuyên ngành báo chí, cần được đào tạo và cấp chứng chỉ nghiệp vụ do các cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp.
Ngoài ra, cần đưa những kiến thức về năng lực thông tin, năng lực tiếp nhận thông tin và đaọ đức trong truyền thông thành một nội dung giảng dạy trong môn Giáo dục công dân tại các cấp học phổ thông.
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Biên tập báo điện tử Vietnamnet cũng đưa ra những đề xuất trong việc đào tạo sinh viên báo chí “on job” trong kỷ nguyên số. Theo ông Tuấn, sự phân tích và xử lý dữ liệu của phóng viên là điều quan trọng mà máy móc khó có thể thay thế. Do vậy, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này trong công tác đào tạo.
Khôg những vậy, các cơ quan đào tạo cũng cần đề xuất, phối hợp trong việc tổ chức sản xuất đầu ra cho các cơ quan báo chí, tổ chức nội dung và sản xuất ngay trong nhà trường để nhu cầu độc giả của tờ báo được phản ánh chân thực trong các cơ sở đào tạo, cung cấp nội dung mới mẻ cho các cơ quan báo chí.
Đề xuất này dù đã được các trường rất ủng hộ tuy nhiên thực tế vẫn chưa được triển khai thực hiện.