Giáo dục

Đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn - Bài 4: Các địa phương sẵn sàng vào cuộc

Thu Hương 06/04/2024 08:39

Một số địa phương trên cả nước đã có những bước đi đầu tiên thể hiện quyết tâm xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn.

anhbaitren.png
Một số mô hình trưng bày ở Triển lãm Công nghệ chip bán dẫn của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU.

Chủ động đào tạo

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng, công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng. Đồng thời, đây còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong vòng 30 - 50 năm tới. Để đón đầu tương lai, Việt Nam đã xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn và bắt đầu thực hiện trong năm 2024 với nhiều mục tiêu cũng như giải pháp cụ thể.

Trong đó, mạng lưới trung tâm nghiên cứu, chế tạo bán dẫn quốc gia được xác định gồm 3 trung tâm đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2025. Bước đầu, đã thành lập Trung tâm Đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn NIC cơ sở Hòa Lạc (Hà Nội) thuộc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC); Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) với 3 chức năng chính là đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; hỗ trợ thu hút đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Những ngày đầu tháng 3/2023, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định về việc thành lập 2 tổ triển khai đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của TP Đà Nẵng” gồm: Tổ công tác và Tổ tư vấn... Tới ngày 26/3/2024, tại Trường Đại học (ĐH) Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU) thuộc ĐH Đà Nẵng, đã diễn ra sự kiện khởi động Chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn TP Đà Nẵng. Bên cạnh đó, thành phố cũng có những đổi mới nhằm thu hút các tập đoàn quy mô quốc tế trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn trên cơ sở xây dựng, vận hành hạ tầng số bằng nguồn tài chính công để hỗ trợ, phục vụ cho việc xây dựng các Trung tâm thiết kế vi mạch, Trung tâm đổi mới sáng tạo cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn…

Từ chủ trương này của Đà Nẵng, các trường ĐH, cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố đã sớm đón đầu thông qua việc hình thành các khoa đào tạo chuyên ngành vi mạch, điện tử. Theo số liệu thống kê, mỗi năm các trường trên địa bàn Đà Nẵng có khoảng 750 sinh viên chuyên ngành liên quan điện tử, vi mạch tốt nghiệp và hiện nay, chỉ tiêu tuyển sinh các chuyên ngành này là khoảng 900 sinh viên/năm. Để đón đầu xu hướng này, một số trường ĐH tại Đà Nẵng dự kiến mở rộng ngành đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này ngay từ trong kỳ tuyển sinh năm 2024. Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Huy Dũng cho biết, Đà Nẵng là đơn vị tiên phong trên cả nước thành lập trung tâm nghiên cứu đào tạo, thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo.

Tại TPHCM, mục tiêu đặt ra là đưa địa phương này trở thành trung tâm vi mạch hàng đầu của cả nước lẫn thế giới. Hàng loạt giải pháp đã được triển khai như hợp nhất Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao (SCDC) và Trung tâm đào tạo Điện tử quốc tế (IETC) thành Trung tâm đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn (ESC). Theo ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM, trong thời gian tới, thành phố tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để phát triển Khu Công nghệ cao, đồng thời thí điểm triển khu khoa học công nghệ với nền tảng chính là lĩnh vực chip điện tử, vi mạnh và bán dẫn...

Theo Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội được định hướng thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn. Năm 2024, hàng loạt trường ĐH, cao đẳng đóng trên địa bàn Thủ đô đã bắt đầu tuyển sinh ngành học này ở các trường.

Trước đó, cuối năm 2023, Công ty CP Giáo dục quốc tế SUN EDU và Trường ĐH Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược để phát triển nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực điện tử và vi mạch bán dẫn tại miền Đông Nam Bộ. Đầu tháng 1/2024, Công ty cổ phần Giáo dục quốc tế SUN EDU và Trường ĐH Hồng Lạc đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác (MOU) thành lập Trung tâm vi mạch bán dẫn tại Đồng Nai. Mục tiêu là phát triển các chương trình đào tạo tiên tiến, cung cấp không chỉ kiến thức lý thuyết mà còn cả kỹ năng thực hành cho sinh viên, từ đó nâng cao năng lực và chuẩn bị cho họ trở thành những chuyên gia chất lượng cao trong lĩnh vực điện tử và vi mạch bán dẫn.

Mới đây nhất tại TP Cần Thơ, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, Trường Bách khoa (thuộc Trường ĐH Cần Thơ), Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ và Công ty cổ phần Giáo dục quốc tế Sun Edu đã ký kết hợp tác đào tạo nhân lực ngành điện tử và vi mạch bán dẫn. Trong khuôn khổ hợp tác, các bên sẽ tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu cho viên chức, giảng viên và sinh viên trên địa bàn TP Cần Thơ cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ghi nhận thực tế cho thấy, thời điểm này, một số địa phương và cơ sở giáo dục đào tạo đã sẵn sàng, chủ động trong việc tìm kiếm cơ hội, thúc đẩy hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Ông Nguyễn Văn Hiếu - Bí thư Thành ủy Cần Thơ đề nghị các đơn vị khi hợp tác với Công ty Sun Edu cần bắt tay vào việc ngay, triển khai thực hiện lễ ký kết một cách thiết thực, hiệu quả, nhất là chú trọng đầu ra sản phẩm đào tạo phải được xã hội công nhận, doanh nghiệp tiếp nhận và thu nhập ổn định tốt cho người lao động; đây chính là thước đo lớn nhất để thu hút lực lượng sinh viên trong chương trình đào tạo.

Nhận diện và gỡ khó

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội và các yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, có tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu; đã và đang thu hút nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn từ các nước phát triển...

Những thuận lợi về mặt chủ trương, chính sách cũng như đội ngũ kỹ sư trẻ, tài năng, đã và đang phát triển rất nhiều phần mềm, ứng dụng cũng được các chuyên gia chỉ ra khi Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng về bán dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, không ít khó khăn đã được các địa phương, các cơ sở giáo dục chỉ ra khi triển khai trong thực tế.

Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, thành phố hiện có khoảng 250 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, lắp ráp thiết bị linh kiện điện tử, với gần 10.500 lao động. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp và kỹ sư vi mạch bán dẫn hiện tại vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Vì thế, Đà Nẵng đang tích cực hợp tác quốc tế và triển khai các giải pháp để nâng cao năng lực nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.

Về vấn đề này, theo TS Huỳnh Phú Minh Cường - Phó Khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Bách Khoa - ĐH Quốc gia TPHCM, hiện nước ta không có nhiều nhân lực chuyên về sản xuất, thiết kế vi mạch, cũng như chưa có sản phẩm mẫu, sản phẩm thương mại hóa. Do đó, vẫn còn khoảng trống trong việc đào tạo nhân lực phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp.

Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, theo TS Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, đó là cần tập trung vào nhóm các ĐH tiên phong như ĐH Quốc gia và ĐH Bách Khoa Hà Nội, tăng cường chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, thu hút chuyên gia, nhà khoa học.

Khẳng định chỉ có hợp tác mới đem lại thành quả lớn, GS Albert P. Pisano - Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật Jacobs (ĐH California, San Diego, Mỹ) đề xuất Việt Nam hãy “kết bạn” nhiều hơn nếu muốn phát triển ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn, tức là hãy tìm kiếm và hợp tác với nhiều đối tác hơn, những đối tác sẵn sàng chia sẻ giá trị kinh tế. Họ có thể hỗ trợ hoặc cùng Việt Nam thực hiện những điều “không tưởng”, thay vì “làm mọi thứ một mình”.

Thu hút nhà nghiên cứu giỏi tham gia giảng dạy

Theo GS.TS Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, Nhà nước và các trường ĐH cần tập trung vào việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đồng hành với các cơ sở đào tạo trong phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời thu hút nhà nghiên cứu giỏi trong và ngoài nước tham gia giảng dạy tại các trường ĐH.

Đồng thời, cần có quy hoạch tổng thể và thống nhất, rà soát việc xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo trong các trường ĐH theo các định hướng chia sẻ giáo trình, học liệu, phần mềm thiết kế trong các đơn vị đào tạo; hỗ trợ để hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu quốc tế trong các lĩnh vực thiêt kế vi mạch và bán dẫn ở các trường ĐH, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp. Tăng cường hợp tác quốc tế, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng vi mạch bán dẫn trong các lĩnh vực công nghệ cao của đất nước, từ đó thúc đẩy nghiên cứu và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

(còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn - Bài 4: Các địa phương sẵn sàng vào cuộc