Đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật: Vẫn lo thừa thầy, thiếu thợ

Minh Quân 24/04/2017 08:00

Thực hiện Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn 2030” và “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030”, mới đây Bộ VHTTDL phối hợp các cơ sở đào tạo trên toàn quốc đã chính thức triển khai các kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên, để đào tạo được những tài năng văn hóa nghệ thuật thực thụ vẫn còn đó những băn khoăn.

Đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật vẫn còn đó những băn khoăn.

Theo Đề án, những học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở đào tạo VHNT thuộc các lĩnh vực âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, điện ảnh, múa, xiếc và ngành sáng tác văn học có tài năng, năng khiếu vượt trội sẽ được tham gia đào tạo tập trung ở trong nước (trong đó có thời gian thực tập ngắn hạn ở nước ngoài) và tham gia các cuộc thi, hội diễn, triển lãm, trại sáng tác theo ngành, chuyên ngành đào tạo ở trong nước và nước ngoài; tham gia liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo có uy tín của nước ngoài.

Thời gian tuyển sinh sẽ bắt đầu từ năm 2017 với các trình độ đại học (khoảng 185 chỉ tiêu ở các lĩnh vực âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, sáng tác văn học), cao đẳng (20 chỉ tiêu ở lĩnh vực múa), trung cấp (khoảng 150 chỉ tiêu ở các lĩnh vực âm nhạc, múa, xiếc) căn cứ tình hình cụ thể về chất lượng nguồn tuyển sinh hằng năm, tiêu chuẩn và năng lực của cơ sở đào tạo.

Từ năm 2021 trở đi, phấn đấu hằng năm lựa chọn được ít nhất 7 tài năng tốt nghiệp xuất sắc các lĩnh vực để cử đi đào tạo trình độ cao hơn ở trong nước và nước ngoài. Phấn đấu đến năm 2025, tuyển sinh và đào tạo được khoảng 1.800 sinh viên đại học; trên 200 sinh viên cao đẳng và khoảng 1.500 học sinh trung cấp theo học các lớp tài năng thuộc các lĩnh vực, ngành đào tạo của Đề án.

Có thể thấy, sau khi không gửi các học sinh du học sang Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu sau những năm 1990 thì đây được coi là những đề án hết sức dài hơi và bài bản với những chỉ tiêu, định hướng hết sức cụ thể.

Tuy vậy, bên cạnh những tín hiệu khởi sắc trong công tác đào tạo các tài năng văn hóa nghệ thuật không khỏi đặt những câu hỏi về tương lai của các tài năng sau khi được đào tạo ở khâu “đầu ra”.

Bởi thực tế, các đơn vị nghệ thuật hiện nay vẫn chưa thực sự trở thành những “bà đỡ” cho các học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở đào tạo VHNT sau khi tốt nghiệp.

Theo NSND Lê Khanh người vừa kết hợp với sinh viên Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh dàn dựng vở “Quẫn” chia sẻ: “Chúng tôi đã trở thành diễn viên trên sân khấu thực tế sau học kỳ đầu tiên.

Và cứ như thế, sau 3 năm hệ trung cấp, chúng tôi đã trở thành những diễn viên chuyên nghiệp. Năm 1982, tôi đã đóng vai Juliet trong vở Romeo và Juliet, có ngày phải diễn 4 suất. Như vậy, đến khi tốt nghiệp, chúng tôi đã trở thành diễn viên thuần thục”.

Thế nhưng, theo NSND Lê Khanh hiện nay các cơ sở đào tạo đang “miệt mài” đào tạo 3 - 4 năm, nhưng sinh viên ít, thậm chí chưa một lần đứng trên sân khấu.

Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, các em lại mất thời gian làm quen và xếp hàng chờ đến lượt để có vai diễn. Chưa kịp quen với sân khấu, có khi lại lập gia đình, sinh con, và từ từ lặn vào phía sau rồi chuyển nghề.

Và thực tế này cũng được chính Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Đình Thi thừa nhận, lâu nay nhà trường vẫn tiếp cận các đơn vị nghệ thuật để tạo cơ hội cho sinh viên tham gia sáng tạo, xem đó như việc làm bắt buộc, có ý nghĩa quan trọng để sau khi tốt nghiệp, về nhà hát, hãng phim, các em có thể tác nghiệp ngay.

Tuy nhiên, không nhiều đơn vị nghệ thuật hưởng ứng chủ trương này, hoặc nếu có, cái bắt tay chưa thật chặt. “Nếu thường xuyên nhận được sự hợp tác của các đơn vị nghệ thuật trên cả nước, thì công tác đào tạo của nhà trường chắc chắn hiệu quả hơn rất nhiều. Bản lĩnh sân khấu của các em sẽ rất tốt, khi ra trường không bỡ ngỡ, bởi đã có môi trường thực hành chuyên nghiệp” - PGS.TS. Nguyễn Đình Thi cho hay.

“Đầu ra” trong công tác đào tạo VHNT trong suốt nhiều năm qua là mối băn khoăn lớn. Có một sự thật đã kéo dài là từ lâu các cơ sở đào tạo VHNT trên cả nước đều tuyển sinh muộn hơn hẳn so với các trường cao đẳng và đại học chuyên nghiệp khác.

Điều đó dẫn tới tình trạng nhiều bạn trẻ tìm đến các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật như một cơ hội thứ hai, thậm chí là thi thử để được trải nghiệm và cân đo năng khiếu nghệ thuật của bản thân.

Trong khi đó, đi theo con đường sáng tác hay biểu diễn không chỉ cần năng khiếu, tài năng mà còn đòi hỏi nghệ sĩ phải kinh qua quá trình đào tạo, khổ luyện và ý thức cống hiến bền bỉ, lâu dài.

Chưa kể, phần nhiều các cơ sở đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở địa phương và cả những trường đào tạo mang đậm tính chuyên ngành như lĩnh vực múa và xiếc mới chỉ có hệ đào tạo cao đẳng hoặc trung cấp.

Từng nhiều năm gắn bó với công tác đào tạo, PGS.TS Trần Thanh Hiệp - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội thừa nhận dễ nhận thấy các tài năng sân khấu, nhất là của kịch hát truyền thống đang bị “chảy máu” sang ngành nghề khác, ngay cả khi được Nhà nước giảm tới 70% học phí cùng nhiều ưu đãi.

Nhiều con em nghệ sĩ là con nhà nòi, có sẵn tố chất và giọng hát hay nhưng không theo nghề bố mẹ. Ngược lại, theo học chuyên ngành điện ảnh, truyền hình phải đóng toàn bộ học phí, làm bài tập tốn kém nhưng thí sinh thi vào lại đông.

“Ngày trước, một gia đình nghệ sĩ thường có nhiều thế hệ theo “nghiệp tổ” kiểu cha truyền con nối, dạy các em khi đó rất nhàn vì đã trưởng thành trong môi trường nghệ thuật từ nhỏ, vừa nói đã hiểu ngay ý thầy. Nhưng nay, những trường hợp này vô cùng hiếm. Đây là điều đáng tiếc của sân khấu nước nhà”- PGS.TS Trần Thanh Hiệp chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật: Vẫn lo thừa thầy, thiếu thợ