Xã hội

Đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số: Đề án 06 đang tăng tốc về đích

LÊ ANH 03/05/2024 12:01

TPHCM đang tập trung nguồn lực để thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

anh-bai-duoi-3.jpg
Công an phường 5 (quận Phú Nhuận, TPHCM) hỗ trợ người cao tuổi làm căn cước công dân gắn chip tại nhà. Ảnh: NGUYỆT NHI.

Dù vẫn còn phiền hà, thế nhưng nhờ giảm bớt được thủ tục, hồ sơ và thời gian đi lại, nhiều người dân cũng có những phản ánh tích cực. Chia sẻ với chúng tôi, chị Đỗ Thị Tố Uyên (43 tuổi, quê Kon Tum) mới đây vào Bệnh viện (BV) Hùng Vương (quận 5) để thăm khám thai sản, đã rất bất ngờ khi được hướng dẫn thủ tục đăng ký khai sinh trực tuyến tại đây. “Lần trước khi sinh cháu đầu ở BV Từ Dũ thì chưa có tiện ích này. Khi đó, tôi xuất viện về và vẫn phải đến UBND phường nộp hồ sơ để khai sinh cho cháu, mất khá nhiều thời gian. Giờ thì, chỉ cần thao tác trực tuyến đã có thể thực hiện “3 trong 1” như đăng ký khai sinh, cấp mã định danh cá nhân và cả thẻ BHYT cho cháu ngay tại bệnh viện” - chị Uyên chia sẻ.

Theo một cán bộ Phòng Điều dưỡng của BV Hùng Vương, hiện nay các sản phụ khi đến sinh tại BV, nếu có hộ khẩu thường trú ở quận 5 sẽ được nhân viên y tế tư vấn điền vào phiếu thông tin đăng ký khai sinh trực tuyến. Sau đó, thông tin này được gửi đến UBND phường để thực hiện đăng ký khai sinh, chuyển hồ sơ trực tuyến đến hệ thống của Bộ Công an và BHXH quận 5 xem xét cấp mã định danh cá nhân và thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi. Thời gian trả kết quả sau khi hoàn tất đăng ký cũng rất nhanh chóng, thuận tiện, chỉ từ 3-5 ngày làm việc. Cũng như chị Uyên, anh Đinh Chu Thái (38 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cũng khá bất ngờ, khi các thủ tục đăng ký tạm trú, thường trú trước đây phải tới UBND để thực hiện hồ sơ, thì nay có thể chụp ảnh bản gốc và thực hiện trên không gian trực tuyến của App VNEID được tích hợp ngay trên điện thoại thông minh.

Theo Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TPHCM, vừa qua thành phố đã sơ kết 2 năm thực hiện Đề án 06. Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06, Công an thành phố đã tích cực tổ chức thực hiện, trong đó thành lập nhiều Tổ Công tác lưu động đến tận nhà dân để thu nhận căn cước công dân, định danh điện tử phục vụ công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến công tác quản lý cư trú, tinh giảm các loại giấy tờ cần thiết để thực hiện các thủ tục hành chính, giảm tối đa chi phí, thời gian đi lại của người dân. Có được kết quả này, Thiếu tướng Tài nhận định, Đề án 06 đã nhận được sự chung tay, phối hợp đồng bộ của các sở, ban, ngành, quận/huyện và TP Thủ Đức, nhất là sự đồng thuận của người dân. Qua 2 năm triển khai thực hiện đề án, đến nay, số lượng hồ sơ được tiếp nhận qua dịch vụ công của lực lượng Công an TPHCM đã đạt trên 90%. Đồng thời, phấn đấu sẽ đạt mục tiêu “mỗi hộ gia đình đều có một người biết thực hiện thao tác nộp hồ sơ trực tuyến”. Riêng trong năm nay, Công an thành phố sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục nghiên cứu những giải pháp sáng tạo, cách làm hay để tổ chức triển khai có hiệu quả đề án. Cũng theo Phó Giám đốc Công an TPHCM, Luật Căn cước chuẩn bị có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Đây sẽ là một bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính và giấy tờ công dân. Trong đó, việc cấp thẻ căn cước cho công dân dưới 14 tuổi, cấp giấy chứng nhận căn cước dành cho đối tượng là người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch... sẽ góp phần “làm giàu” dữ liệu, đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số: Đề án 06 đang tăng tốc về đích

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO