Các công trình kiến trúc, quy hoạch đô thị cần được thực hiện với chất lượng cao, đa dạng về công năng, thẩm mỹ. Đồng thời, thiết kế công trình phải hài hòa giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, trong đó cần đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.
Ngày 2/12, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM tổ chức hội nghị phản biện dự thảo Quy chế quản lý kiến trúc TP HCM (gọi tắt là dự thảo Quy chế kiến trúc).
Dự thảo làm căn cứ cho các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn công tác quản lý kiến trúc xây dựng; làm cơ sở cho việc lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, đồ án thiết kế đô thị riêng, thiết kế cơ sở, báo cáo kinh tế, kỹ thuật và cấp phép xây dựng.
Tại hội nghị, ông Phan Văn Tuấn, Trưởng phòng Khu vực 1, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM cho biết, dự thảo Quy chế kiến trúc này có 4 chương và 17 điều được quy định cụ thể các nội dung liên quan đến quản lý kiến trúc đô thị của Thành phố.
Cụ thể như: Quản lý kiến trúc đô thị, các công trình xây dựng theo quy hoạch đô thị được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa trên phạm vi lập quy chế.
Bên cạnh đó, quản lý quy hoạch, kiến trúc theo đồ án thiết kế đô thị riêng; Quản lý cấp phép xây dựng trong các khu vực đô thị; Quản lý quy hoạch, kiến trúc tại khu vực có địa hình đặc thù. Quy chế Quản lý đối với quy hoạch và không gian Thành phố; Quy chế Quản lý đối với công trình Kiến trúc.
Bản dự thảo Quy chế kiến trúc quy định, đối với đô thị phải tuân thủ định hướng phát triển không gian đô thị trong đồ án quy hoạch chung được duyệt; xây dựng hình ảnh kiến trúc đô thị hiện đại, năng động kết hợp với việc gìn giữ, kế thừa các hình thức kiến trúc phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử của Thành phố qua các giai đoạn hình thành và phát triển.
Phù hợp với các khu chức năng và sử dụng đất; điều kiện địa chất công trình và địa chất thủy văn. Định hình các điểm nhấn kiến trúc cảnh quan tại các vị trí đặc biệt dựa trên các yếu tố như: điều kiện hạ tầng giao thông, các hướng nhìn, cửa ngõ đô thị, các khu vực quan trọng về Văn hóa lịch sử, chính trị; tính kinh tế, hiệu quả về dụng đất, các điều kiện tự nhiên như địa chất, dòng chảy, quan điểm phát triển…
Bên cạnh đó, tạo lập cảnh quan khu trung tâm công cộng khang trang, đồng bộ, hiện đại, xanh và hài hòa với môi trường, cảnh quan đặc trưng của từng khu vực, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Khuyến khích kết nối không gian mở, hạn chế xây dựng hàng rào ngăn cách công trình, ranh đất, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận.
Cũng theo đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố, Quy chế quản lý kiến trúc Thành phố là cần thiết để cụ thể hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà nước về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế của Thành phố.
Quản lý kiến trúc đô thị, các công trình xây dựng theo quy hoạch đô thị được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa trên địa bàn.
Tại hội nghị, đa số các đại biểu cho rằng, các công trình cần được nghiên cứu thiết kế với chất lượng cao về công năng, thẩm mỹ và kỹ thuật, khuyến khích tổ chức thi tuyển kiến trúc; Thiết kế công trình kiến trúc cần hài hòa giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, tham gia đóng góp vào chức năng và hiệu quả của không gian và hoạt động đô thị.
Ngoài ra, cần kế thừa, tiếp thu và phát huy các trường phái kiến trúc bản địa và xu hướng kiến trúc quốc tế tại TP HCM qua nhiều thời kỳ, tạo nên một môi trường kiến trúc khá đa dạng và phức tạp với nhiều hạng mục công trình khác nhau từ nhà phố, dinh thự, cơ quan hành chính đến các công trình công cộng khác như nhà hát, bảo tàng, thư viện, bệnh viện…
Luật sư Trương Thị Hòa, thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM khẳng định sự cần thiết phải ban hành Quy chế quản lý kiến trúc TP HCM. Bà Hòa đề nghị, dự thảo phải dựa trên các căn cứ quy phạm pháp luật phù hợp; xác định rõ ràng đối tượng áp dụng. Đồng thời, cần phải thêm mục phòng chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu, đây là mục cực kỳ quan trọng, hầu như Quy chế đô thị nào cũng phải có, TP HCM cũng bị ảnh hưởng nặng về việc này.
Bên cạnh đó, luật sư Trương Thị Hòa mong muốn, Quy chế quản lý kiến trúc TP HCM phải được sử dụng thuật ngữ chính xác để tránh gây hiểu nhầm.
Ví dụ không nên sử dụng thuật ngữ “Lô đất có diện tích lớn”, khái niệm này trong Luật đất đai không có; hoặc Mặt trận làm nhiệm vụ “giám sát” chứ không phải “giám định”, sử dụng từ “người khuyết tật” chứ không phải “người tàn tật”; hạn chế sử dụng từ “cần” trong văn bản vì văn bản quy phạm pháp luật phải khẳng định có hoặc không có một cách rõ ràng.
Trong khi đó, Kiến trúc sư Khương Văn Mười, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP HCM, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Nghệ thuật, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố cho rằng, cần có những quy định tuân thủ theo đúng các quy chế, quy định của pháp luật, nhưng cũng có những quy định mang tính đặc thù, phù hợp với đặc điểm riêng của Thành phố.
Về định hướng kiến trúc, không gian cảnh quan, Kiến trúc sư Khương Văn Mười đề nghị cần khuyến khích họp khối, nhưng phải theo quy định nhà cao tầng, kiến trúc một thể thống nhất; tạo khoảng trống chung quanh sẽ được cộng thêm hồ sơ sử dụng đất và chiều cao.
Đồng thời, khuyến khích kết nối không gian trên cao cho các công trình công cộng bằng hành lang và chỉ 2 tầng, đảm bảo độ thông thoáng giao thông. Bên cạnh đó, cần ưu tiên khu đô thị mới chung quanh metro, cuối các trục ở ngoại ô và trạm dừng metro.
“Mật độ nhà phải phù hợp, đủ rộng để không được quá dày đặc để không biến lòng đường thành con mương. Các khu dân cư ngoại thành cần có cấu trúc đô thị hoàn thiện, trong đó đặc biệt chú ý đến các trạm giao thông hành khách công cộng để kéo giãn dân cư ra vùng ngoại thành. Tất cả vì cuộc sống của người dân”, ông Mười nhấn mạnh.