Thắng lợi huy hoàng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Thắng lợi lịch sử ấy bắt nguồn từ đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần đoàn kết, chiến đấu anh dũng bất khuất của toàn quân, toàn dân, gắn liền với sự lãnh đạo và điều hành trực tiếp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh trong quá trình kháng chiến.
Tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột, ngày 10/3/1975.
1. Trong những ngày tháng lịch sử đó, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã tập trung trí tuệ, tài năng ra những quyết định, kế hoạch chiến lược, chiến dịch; những mệnh lệnh, chỉ thị cho quân và dân cả nước biến các nghị quyết đúng đắn của Đảng thành sức mạnh chiến đấu và chiến thắng trên các chiến trường.
Một trong những mệnh lệnh đó do Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ký trong bức điện khẩn ngày 7/4/1975.
9 giờ 30 sáng 7/4/1975, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi Điện số 157-HÐKTK cho các đơn vị mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”. Mật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa là mệnh lệnh, vừa là lời hịch cổ vũ tinh thần đối với cán bộ, chiến sỹ trên chiến trường vào thời điểm vô cùng quan trọng của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong đêm 7/4, các cánh quân của ta đã tăng tốc độ hành quân cả đêm và ngày đến vị trí tập kết chiến dịch đúng quy định. Ngày 9/4, Quân đoàn 4 bắt đầu tiến công địch trong thị xã Xuân Lộc; địch phản kích quyết liệt, buộc các đơn vị của ta phải thay đổi chiến thuật, rút khỏi Xuân Lộc, đánh vòng ngoài, diệt địch ở Túc Trưng, Kiệm Tân, theo đường 20 phát triển đánh địch ở ngã ba Dầu Giây, cắt đường số 1 về Sài Gòn. Ngày 14/4, cánh quân hướng Đông tiến công vào tuyến phòng thủ Phan Rang. Cũng trong ngày 14/4, Bộ Chính trị đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, do Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy.
Ngày 22/4, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, điện chỉ đạo Bộ Chỉ huy chiến dịch: “Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng, không để chậm. Nếu để chậm thì không có lợi về quân sự chính trị. Kịp thời hành động lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn. Nắm vững thời cơ lớn chúng ta nhất định toàn thắng”.
5 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Bộ Chỉ huy Chiến dịch ra lệnh tổng công kích vào Sài Gòn. Đến 11 giờ 30 phút ta làm chủ các mục tiêu và cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng lên Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Cùng với cuộc tổng tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định, quân ta đánh chiếm, giải phóng các đảo và quần đảo ở ven biển miền Trung và Trường Sa. Quân và dân các tỉnh miền Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long tiến công, nổi dậy diệt và làm tan rã Quân đoàn 4 ngụy, giải phóng các tỉnh Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu, đảo Phú Quốc, Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngày 1/5, ta tiếp tục giải phóng các tỉnh Mỹ Tho, Gò Công, Vĩnh Long, Chương Thiện, Cà Mau, Long Xuyên, Châu Đốc, Kiến Tường, Sa Đéc, Côn Đảo. Đến ngày 1/5/1975, toàn bộ các tỉnh, thành phố trên đất liền và các đảo, quần đảo ở biển Đông trên toàn miền Nam Việt Nam được giải phóng. Đất nước sạch bóng thù, non sông liền một dải.
Một bà cụ cùng các cháu ở xóm Chiếu (khu Tân Thuận, Sài Gòn) hân hoan, vui mừng chào đón đoàn quân giải phóng ngày 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu.
2. Trong cuộc Tổng tiến công và nội dậy Mùa Xuân 1975, cùng với đồng bào chiến sĩ cả nước, đồng bào các dân tộc cũng đóng góp rất lớn vào sự nghiệp chung, mà đỉnh cao là Chiến dịch Tây Nguyên, mở màn từ ngày 4/3/1975, với trận đột phá chiến lược đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột. Qua 20 ngày đêm chiến đấu, đến ngày 24/3/1975, chiến dịch đã giành thắng lợi hoàn toàn. Đây là đòn mở đầu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975 của quân và dân ta giành thắng lợi, đã tạo nên bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh; phát triển cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975 đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Tây Nguyên lúc đó có diện tích khoảng 60.000 km2, gồm các tỉnh: Kon Tum, Pleiku, Phú Bổn, Đắk Lắk và một phần tỉnh Quảng Đức.
Bước vào Xuân - Hè năm 1975, Bộ Chính trị, trực tiếp là Quân ủy Trung ương đã quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên (mang mật danh A 275), nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng các tỉnh Đắk Lắk, Phú Bổn, Quảng Đức, thực hiện chia cắt và tạo thế chiến lược mới trên chiến trường toàn miền Nam. Bộ Tư lệnh chiến dịch do Trung tướng Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh, Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm năm sư đoàn (10, 320, 316, 3, 968) và 4 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn và 2 tiểu đoàn đặc công, 2 trung đoàn pháo binh, 1 trung đoàn tăng - thiết giáp, 3 trung đoàn pháo phòng không.
Thực hiện nhiệm vụ nghi binh, tạo thế chiến dịch, ngay từ đầu tháng 3/1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch sử dụng Sư đoàn 968 hoạt động nghi binh ở khu vực Bắc Tây Nguyên khiến Sư đoàn 23 địch phải chuyển một bộ phận lực lượng từ Buôn Ma Thuột lên Kon Tum, Pleiku đối phó. Ngày 4/3, bộ đội ta chính thức nổ súng mở Chiến dịch Tây Nguyên. Từ ngày 4 - 9/3, quân ta đánh cắt giao thông trên các đường số 19, 21, cô lập Tây Nguyên với vùng duyên hải miền Trung, chia cắt đường số 14 để cô lập hai khu vực Bắc Tây Nguyên với Nam Tây Nguyên; tiến công lần lượt đánh chiếm quận lỵ Thuần Mẫn (ngày 8/3), Đức Lập (ngày 9/3), cô lập triệt để Buôn Ma Thuột.
Sau trận Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, thanh thế của Quân Giải phóng đã tạo nên sức nóng khiến quân đội Sài Gòn như bị “tan chảy”- theo nhận xét của truyền thông phương Tây lúc ấy. Chiến thắng Tây Nguyên đã mở ra thời cơ tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam để quân và dân ta tiếp tục thực hiện các đòn tiến công quân sự lớn, phát triển cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Trong chiến thắng vang dội ấy, có đóng góp quan trọng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, kề vai sát cánh cùng Bộ đội Cụ Hồ. Đó là những điều lịch sử không bao giờ quên!