Văn hóa

Đặt tên mới cho địa phương sau sáp nhập

Phạm Sỹ 10/05/2024 08:33

Những ngày qua, một số tỉnh thành công bố kế hoạch sáp nhập và dự kiến tên gọi các phường, xã mới đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bởi không chỉ đơn thuần là tên gọi, mà còn gắn liền với văn hóa, con người ở chính địa phương đó…

anhbaitren(5).jpg
Tên xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) dự kiến sẽ không còn sau khi tiến hành sáp nhập xã. Ảnh: Nhật Thanh.

Nan giải đặt tên mới

Đến năm 2025, cả nước dự kiến có hơn 600 đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi sáp nhập và việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới này là vấn đề hiện đang được dư luận rất quan tâm.

Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Văn học dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, yêu làng quê của mình và tự hào với địa danh có truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa, truyền thống đấu tranh cách mạng, truyền thống hy sinh vì độc lập dân tộc... là một nét đẹp trong tâm lý người dân Việt Nam. Có làng có hàng trăm tiến sĩ, có làng trong một cuộc càn quét thời chống Pháp, hơn 60 cụ già bị bắt và bị lần lượt thủ tiêu. Mỗi làng có một truyền thống. Chúng ta tôn trọng tất cả. Tên làng gắn với truyền thống sâu nặng đó…

Có thể thấy, yếu tố lịch sử, địa lý và văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc đặt tên mới. Các địa phương còn có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác biệt, vì thế việc sáp nhập, thay đổi dẫn đến việc hòa lẫn văn hóa với nhau, không chỉ rất dễ dẫn đến tình trạng làm mất bản sắc của vùng đất, mà nguy hiểm hơn còn có thể gây ra những xung đột, mâu thuẫn không cần thiết.

“Khi gặp một vấn đề có sự thay đổi địa danh, chúng tôi thường phân biệt ngay tính pháp lý của địa danh đó. Về cơ bản, tên quốc gia, tên tỉnh, tên huyện, tên xã, tên thôn, ấp, bản... là địa danh hành chính thuộc quản lý hành chính của thể chế chính trị. Vì thế, ngày xưa có "nhất xã nhất thôn", "nhất xã nhị thôn", "nhất xã tam thôn"... Còn các địa danh như làng, xóm, giáp, ngõ, chòm, kiệt, lối... thì phức tạp hơn về mặt lịch sử, nhưng nói chung, cho tới thời cận đại, đó là cách gọi xã hội, cách gọi dân gian, chưa hẳn là đơn vị hành chính. Trong sự góp ý vừa rồi đối với tên xã mới nhập lại, tôi thấy có một số ý kiến không phân biệt giữa tên đơn vị quản lý hành chính là "xã" với tên gọi dân gian truyền thống là "làng". Tên đơn vị hành chính (xã) có thể tận dụng tên đơn vị hành chính cổ xưa hoặc tên "làng" cổ xưa (đặt tên kiểu đại diện, hoặc tiếp tục truyền thống "nhất xã nhất thôn". Thời đó thường là sau Cách mạng tháng Tám năm 1945” - ông Vĩ phân tích.

GS.TS Vũ Minh Giang cho rằng, tâm thức của người dân tham gia vào quá trình sáp nhập thì người ta muốn giữ tên của địa phương họ là nguyện vọng hết sức chính đáng. Để xử lý như nào cho hài hòa câu chuyện này thì lại là tài năng của những người lãnh đạo địa phương.

Cần có đóng góp ý kiến cộng đồng

Theo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, khi đặt tên gọi mới cho một địa danh thì cần phải tham vấn cộng đồng và các bên liên quan. Khi cộng đồng thấy rằng họ có thể tham gia vào quá trình quyết định, họ có khả năng cao hơn để ủng hộ và chấp nhận quyết định cuối cùng.

Ông Nguyễn Hùng Vĩ lưu ý cách đặt tên cho xã mới nhập lại cần tránh: Vì ghép tên cơ học mà làm mất ký ức truyền thống văn hóa của nhiều làng khác nhau. Đồng thời vô nghĩa, dài dòng, bất tiện. Không đạt được sự đồng thuận đa số nhân dân, từ đó tạo nên sự bức bối trong tâm lý quần chúng.

“Điều cần thiết khi đặt tên xã mới nhập lại là: Cần sự tham mưu cẩn trọng của những người có kinh nghiệm. Chúng ta có ngành văn hóa ở các huyện, tỉnh, trung ương, có các viện nghiên cứu hành chính, ngôn ngữ, nhân học với nhiều giáo sư, tiến sĩ... Trong rất nhiều ý kiến góp ý, tôi thấy luận lý thì nhiều mà việc góp sáng kiến cụ thể cho địa danh thì quá ít. Theo tôi, khi nhân dân chưa đồng thuận về một địa danh nào đó thì cần tư vấn một số tên gọi và đưa ra để lựa chọn. Tên gọi nào đạt đồng thuận của nhiều người thì sẽ chọn tên gọi hành chính đó. Còn cổng "làng" (nếu có) thì vẫn dùng tên làng” - ông Vĩ cho biết.

Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, đặt tên cho các xã, phường mới là việc rất hệ trọng, liên quan đến nhiều mặt đời sống trước mắt và sự phát triển lâu dài của các cộng đồng dân cư, nên phải hết sức thận trọng, không nóng vội, chủ quan, áp đặt; phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư một cách dân chủ, không làm lấy lệ, hình thức, thậm chí phải mở các cuộc thảo luận, hội thảo; tham khảo ý kiến của giới tinh hoa trong cộng đồng, các nhà khoa học.

Đồng quan điểm, GS.TS Vũ Minh Giang lưu ý, khi đặt tên địa phương mới, một nguyên tắc cực kỳ quan trọng đó là phải có sự đồng thuận, có sự thuyết phục, không được áp đặt. Đây là văn hóa, là tâm tư nguyện vọng, nếu áp đặt thuần túy hành chính thì sẽ xảy ra những hệ lụy khác. Nếu gộp nhiều xã, làng thì có thể chọn một tên tiêu biểu cho vùng đó. Có nghĩa là có thể thay đổi cái mới nhưng thỏa mãn tâm lý của nhiều người dân ở địa phương đó. Vì vậy cần có nghiên cứu tâm lý và tư vấn của những người có hiểu biết. Tránh tuyệt đối áp đặt, như vậy sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường về sau. Cùng với đó, nên giữ những giá trị văn hóa truyền thống, tránh đặt những tên không có ý nghĩa, không có dấu ấn văn hóa, nên chọn những tên gắn liền với cuộc sống, văn hóa của địa phương đó thì sẽ mãi trường tồn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đặt tên mới cho địa phương sau sáp nhập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO