Hàng hóa của DN sản xuất trong nước ngày càng chiếm tỷ lệ cao tại các kênh mua sắm hiện đại cũng như truyền thống. 90% hàng Việt có mặt tại các siêu thị lớn như Big C, Aeon, Co.op Mart... Không chỉ chiếm tỷ trọng lớn tại các kênh phân phối trong nước, hàng Việt cũng đang đặt chân đến nhiều thị trường thế giới, được người tiêu dùng thế giới đánh giá cao.
Hàng Việt vươn ra thế giới
Reece, một khách du lịch Australia đã từng đến Việt Nam không quên được món đặc sản nước tương Chinsu của Việt Nam và món ô mai Hồng Lam.
“Lần nào đến Việt Nam tôi cũng tìm mua bằng được hai sản phẩm này và mang về làm quà cho người thân, bạn bè. Những người bạn của tôi khi thưởng thức các sản phẩm đặc sản này của Việt Nam đều rất thích”, Reece kể.
Các sản phẩm đặc sản “made in Vietnam” đã và đang bước chân đến nhiều thị trường trên thế giới còn phải kể đến nhãn, vải, chuối, thanh long, xoài...
Đáng chú ý, với việc đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất, nhiều DN đang ngày càng khẳng định được vị thế của mình và từng bước vươn ra thế giới, chiếm lĩnh thị phần tại nhiều thị trường nước ngoài. Đơn cử, từ một nước gần như không có ngành sữa, đến nay Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu sữa. DN kinh doanh sữa của Việt Nam đã lọt vào top 50 công ty sữa lớn nhất thế giới. Vinamilk và TH True Milk chính là những thương hiệu đã và đang ghi được dấu ấn tại thị trường thế giới.
Đáng chú ý, sau nhiều nỗ lực xây dựng chất lượng và thương hiệu, sản phẩm gạo của Việt Nam đã ‘ghi điểm” trong mắt người tiêu dùng quốc tế khi cuối năm 2019 vừa qua, gạo Việt đã nhận danh hiệu “gạo ngon nhất thế giới” với dòng sản phẩm ST25. Đánh giá về sự bứt phá này, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, đây chính là dấu mốc quan trọng của hạt gạo Việt, khẳng định vị thế và thương hiệu của mình trên thị trường thế giới.
Tất cả những dữ liệu nói trên cho thấy những nỗ lực không ngừng của các DN Việt trong việc xây dựng thương hiệu, nâng sức cạnh tranh.
Thị trường nội địa là bệ đỡ
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành hiện nay, thị trường xuất khẩu có những biến động không nhỏ, nhiều DN bị đứt gãy thị trường xuất khẩu, nguồn nguyên liệu, các đơn hàng bị ngừng trệ... theo giới chuyên gia kinh tế, thị trường trong nước với gần 100 triệu dân chính là động lực phát triển của các DN trong nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu ảnh hưởng mạnh đến kinh tế thế giới, các thị trường xuất khẩu bị tác động rõ rệt, xuất nhập khẩu hàng hóa bị ngưng trệ thì thị trường nội địa chính là mảnh đất tiềm năng để DN trong nước khai thác, vượt qua khó khăn hiện nay.
Trên thực tế, các DN phân phối cũng đang chung tay để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, từ đó đẩy mạnh sản xuất của các DN nội địa. Theo thống kê của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), hàng Việt tại hệ thống siêu thị bán lẻ Co.opmart có tỷ lệ từ 90-93%, Satra 90-95%, Vissan 95%, Vinmart 90%, tại hệ thống siêu thị Bách hóa Xanh chiếm tới 95%…
Tại các hệ thống siêu thị nước ngoài tại Việt Nam như Aeon, Lotte..., hàng Việt cũng giữ một tỷ lệ không hề nhỏ. Theo đó, tỷ lệ hàng Việt tại Lotte chiếm 82% theo doanh thu và 84% theo số lượng mặt hàng, Big C 96% theo doanh thu, AEON 80% theo mã hàng, MegaMarket 95% theo mã hang.
Đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các nhà bán lẻ kể trên đã tăng lượng hàng dự trữ lên gấp 4-5 lần, với phần lớn là hàng hóa sản xuất trong nước, tạo đầu ra ổn định cho doanh nghiệp, hộ sản xuất, cung ứng nguồn hàng dồi dào cho người tiêu dùng.
Mặc dù vậy, theo giới chuyên gia kinh tế, hàng Việt đã có mặt ngày càng nhiều tại các siêu thị, trung tâm thương mại, song về chất lượng chưa thật đồng đều, mẫu mã sản phẩm chưa thực sự hấp dẫn thị hiếu người tiêu dùng, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng Việt ngày càng nâng lên.
Chính bởi vậy, yêu cầu quan trọng nhất đối với các sẩn phẩm, hàng hóa hiện nay là phải nâng cao về chất lượng, mẫu mã, bao bì mới có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nước ngoài trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ.