Dấu ấn tăng trưởng của TP Hồ Chí Minh

Nhóm PV 10/07/2023 08:00

Quý I, TP Hồ Chí Minh giải ngân đầu tư công được 1.600 tỷ đồng, chỉ đạt 4% chỉ tiêu được đề ra. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm đã giải ngân được hơn 15.400 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch của năm. Đó là tín hiệu tích cực trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn thuộc Vành đai 3 TPHCM. Ảnh: VNXpress.

Thông tin tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM ngày 8/7 cho biết, tiến độ giải ngân đầu tư công đã được cải thiện, quý II gấp 9 lần quý I và gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Nửa đầu của năm 2023, thành phố giải ngân 23% vốn đầu tư công.

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng

Tuy chưa đạt mục tiêu (35%) nhưng điều đó cũng đã cho thấy sự chuyển mình rất tích cực của TPHCM, không chỉ đối với riêng lĩnh vực giải ngân đầu tư công. Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, khối lượng của giải phóng mặt bằng (GPMB), giải ngân liên quan đến GPMB là 21.000 tỷ đồng, chiếm gần 30% vốn giải ngân đầu tư công của năm 2023.

Ngay từ đầu năm, lãnh đạo TPHCM đã xác định GPMB là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố. Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, bài học rút ra để đảm bảo một dự án hạ tầng giao thông thành công là trong phần hồ sơ chuẩn bị về GPMB phải thật kỹ, thẩm định phê duyệt các thiết kế dự toán nhanh để di dời các hệ thống hạ tầng tiện ích như điện, nước, viễn thông, đảm bảo dự án được triển khai đồng bộ.

Được biết, trong năm 2023, có 50 dự án giao thông ở TPHCM cần GPMB với diện tích 100 ha, tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng. Cùng với đó là 3 dự án Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4 và cao tốc TPHCM - Mộc Bài phải giải tỏa 900 ha, tổng mức đầu tư 40.000 tỷ đồng. Nhìn chung, năm 2023, TPHCM có 134 dự án hạ tầng có bồi thường, GPMB với tổng số tiền dự kiến chi là 20.189 tỷ đồng. Nếu tính cả số tiền khoảng 4.200 tỷ đồng chi bồi thường của năm 2022 mà các dự án đang triển khai thì tổng số tiền phải chi cho công tác bồi thường, GPMB trong năm 2023 khoảng 24.400 tỷ đồng.

Riêng với dự án Vành đai 3, đoạn đi qua TPHCM dài 47,35km, diện tích GPMB lên đến hơn 410,4 ha. Việc phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, ban hành quyết định thu hồi đất giai đoạn 1 được TPHCM thực hiện trong tháng 4 và giai đoạn 2 trong tháng 7 năm nay. Tới cuối tháng 6, TPHCM đã giải phóng 356ha trong tổng số 410ha, đạt 87% diện tích cần giải tỏa.

Bài học rút ra từ thành công đền bù, di dời GPMB phục vụ dự án Vành đai 3 là cơ sở để TPHCM áp dụng thực hiện cho các dự án khác. Từ đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công.

Tích cực giải ngân đầu tư công

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, thành phố sẽ duy trì và phát huy thành công của 3 tổ công tác về đầu tư công, đặc biệt là tổ công tác bồi thường. Tổ công tác bồi thường đã giải quyết được những dự án lớn quan trọng của thành phố, trong đó tập trung cho dự án Vành đai 3.

Bà Mai cũng cho biết, năm 2023, TPHCM được giao giải ngân vốn đầu tư công khoảng 70.000 tỷ đồng, cao hơn 2,6 lần so với năm 2022. Trong đó, gồm 15.000 tỷ đồng vốn trung ương và 55.000 tỷ đồng vốn địa phương. Đây là con số “khổng lồ” tạo ra áp lực rất lớn.

Để thực hiện tiến độ giải ngân đầu tư công UBND TPHCM cũng đã ra văn bản chỉ đạo. Theo đó, các đơn vị phải chú trọng rà soát dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao vốn, tiến độ triển khai dự án đã được giao vốn và kết quả giải ngân vốn để thực hiện. Nếu để chậm, người đứng đầu đơn vị sẽ bị xử lý.

Ngay từ đầu năm, lãnh đạo TPHCM đã đặt trọng tâm của năm 2023 là năm giải ngân đầu tư công. Tuy nhiên, quý I/2023 chỉ giải ngân được 4%. Nhưng rất đáng mừng là sang quý II đã đạt 23%, tuy vẫn thấp so với kế hoạch đặt ra là 35% nhưng cũng là những tín hiệu tích cực. TPHCM đặt mục tiêu đến hết quý III đạt 58%, hết quý IV đạt 91% và đến tháng 1/2024 sẽ đạt ít nhất 95%, cao hơn nhiều so với thời điểm hết tháng 1/2023 chỉ giải ngân đầu tư công được 71,3% (năm 2022).

Giải ngân vốn đầu tư công thấp được cho là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của TPHCM quý I chỉ đạt 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Do đó, TPHCM quyết tâm tạo chuyển biến giải ngân đầu tư công để vực dậy tăng trưởng kinh tế. Lãnh đạo thành phố giao lãnh đạo quận/huyện phải xem công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; tổ chức họp giao ban hàng tuần về tiến độ các dự án đầu tư công có ghi vốn. Từ đó có định hướng chủ trương, chỉ đạo đối với những dự án có vướng mắc, tỉ lệ giải ngân thấp.

Báo cáo tình hình kinh tế tháng 6 và 6 tháng đầu năm của Cục Thống kê TPHCM cho thấy, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II/2023 tăng 5,87%, cao hơn nhiều so với mức tăng chỉ 0,7% của quý đầu năm 2023. Ước tính GRDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,55% so với cùng kỳ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kinh tế TPHCM tăng trưởng vượt bậc trong quý II năm nay, trong đó có phần quan trọng của việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công. Điều đó cho thấy TPHCM đã “lấy lại phong độ”, sẽ đạt kết quả tăng trưởng cao trong năm 2023.

Báo cáo của Cục Thống kê TPHCM cho biết, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TPHCM toàn quý I/2023 chỉ tăng 0,7% so cùng kỳ. Đây là tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất trong lịch sử tăng trưởng kinh tế của TPHCM. Tuy nhiên, quý II, tăng trưởng của TPHCM đã đạt 5,87% (6 tháng đầu năm 3,55%). Năm 2023, TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 7,5% (mục tiêu tăng trưởng của cả nước là 6,5%).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dấu ấn tăng trưởng của TP Hồ Chí Minh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO