Sau khi tái sản xuất, cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực, cố gắng khởi động tốt nhất có thể. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp than thở, chi phí đầu vào và chi phí vận chuyển cao đang là những rào cản cho sự hồi phục của doanh nghiệp.
Nguyên vật liệu đầu vào tăng cao
Ông Nguyễn Tấn Thọ, Giám đốc Đối ngoại Công ty Quy Phúc (chuyên kinh doanh bàn ghế inox) cho biết, sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) ở khu vực Đông Nam Á như: Thái Lan, Malaysia, Mianma, Campuchia,... đã được kết nối trở lại. DN đẩy mạnh sản xuất để xuất khẩu hàng hóa. Mặc dù thị trường xuất khẩu khá ổn, song các DN đang gặp khó khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh.
Nhiều DN thực phẩm trong nước cũng lo ngại về tình trạng giá đầu vào trong sản xuất tăng cao. Bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân tâm sự, đây là năm cực kỳ khó khăn với ngành trứng. Bắt đầu dịch bệnh, giá cả các mặt hàng đều tăng, Ba Huân giữ giá để bình ổn thị trường. Thế nhưng do giãn cách xã hội, việc mua sắm bị hạn chế nên trứng gia cầm tồn nhiều. Trứng vịt thì có thể sử dụng làm trứng muối, còn trứng gà không thể để lâu được. DN phải thực hiện nhiều hình thức ưu đãi để tránh nguy cơ bị tồn hàng.
“Dịch bệnh giảm, đơn vị kỳ vọng việc tái sản xuất được suôn sẻ hơn. Song, khi sản xuất trở lại thì chi phí các loại như thức ăn chăn nuôi, bao bì, hộp đứng trứng … đều tăng 20 - 50%. Trong khi ở chiều ngược lại, giá trứng gia cầm bán ra thị trường lao dốc ở mức từ 30 - 40%. Không chỉ riêng mặt hàng trứng, sản phẩm thịt gà cũng giảm sâu” - bà Huân nói.
Đại diện một DN hóa mỹ phẩm cũng cho hay, “mở cửa” tái sản xuất, DN chưa kịp mừng thì hàng loạt chi phí dồn dập tăng cao. Cụ thể, giá nguyên phụ liệu, bao bì tăng 25 - 30%, giá xăng dầu tăng đẩy giá cước vận chuyển tăng 20 - 25%, chi phí cho công nhân tăng để giữ chân người lao động,... Giải bài toán chi phí đầu vào tăng, nhà sản xuất liên hệ đàm phán với nhà bán lẻ để áp dụng giá bán mới tăng 10% - 15%. Tuy nhiên, hầu hết các siêu thị không chấp nhận tăng giá bán, một số nhà bán lẻ chia sẻ bằng mức tăng tối đa không quá 10%. Theo các DN sản xuất, việc tăng giá sản phẩm trong thời điểm hiện nay cũng rất khó khăn vì người tiêu dùng đã bị giảm thu nhập, phải thắt chặt chi tiêu hoặc lựa chọn những sản phẩm phù hợp với túi tiền. Song nếu không tăng giá bán, DN khó duy trì sản xuất.
Chi phí vận chuyển cũng đội giá
Không chỉ nguyên vật liệu đầu vào tăng giá “phi mã”, các đơn vị sản xuất kinh doanh cũng đau đầu vì chi phí vận chuyển tăng. Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc DN sản xuất hàng thực phẩm tại Quận 3, TP HCM cho biết, giá cước vận chuyển tăng quá cao không chỉ ảnh hưởng đến các DN xuất khẩu đi nước ngoài, việc nhập nguyên liệu từ nước ngoài về để sản xuất trong nước cũng bị ảnh hưởng nhất định. Đặc biệt ở thời điểm vừa tái sản xuất trở lại sau thời gian dài “đóng băng” vì dịch bệnh. Ông Lê Thanh Sơn, Trưởng đại diện Công ty K&K Food tại Việt Nam nhận định: “Chưa năm nào chi phí vận chuyển tăng cao như năm nay. Cứ 2 tuần chi phí tăng 1 lần. Mức tăng cao khủng khiếp không ai lường trước được”.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), nhiều DN hội viên đang lo lắng vì các hãng tàu đã thông báo tăng giá cước từ 2-10 lần (tùy chặng, tùy hãng). Trong khi đó, DN vẫn rất khó hoặc không thể đặt được container, chỗ trên tàu cho nhiều chặng quan trọng. Điều này vô hình trung gây ra tình trạng ùn ứ hàng hóa và chi phí đội lên rất cao. DN khẳng định, chi phí logistics tăng cao tác động không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của DN trên thị trường thế giới. Để hỗ trợ hội viên, Vasep đã nhiều lần gửi công văn tới các cơ quan có liên quan phản ánh những bất cập và kiến nghị giải pháp tháo gỡ.
Trước tình trạng giá cả tăng cao, nhiều chuyên gia kinh tế quan ngại, nếu không có giải pháp hiệu quả sẽ xảy ra lạm phát. Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cho rằng, với điều kiện tái sản xuất hiện nay đòi hỏi, DN phải thay đổi chiến lược sản xuất. DN nên chuyển đổi sản phẩm, cắt giảm chi phí,... và cắt giảm lao động là giải pháp cuối cùng.
“Trong điều kiện khó khăn hiện nay rất cần Chính phủ có những chính sách đủ lớn, đủ dài, đủ quyết liệt nhằm hỗ trợ cộng đồng DN”, ông Thành nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Trần Du Lịch – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng: “Sau ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nền kinh tế đã mở cửa trở lại nhưng khó khăn vẫn còn đó. Để vượt trở ngại nhiều DN nỗ lực phát triển như “lò xo bị nén”. Song không phải DN nào cũng có sức bật tốt. Có những cái lò xo rất cần sự hỗ trợ. Do đó, rất cần cơ chế, chính sách phù hợp. Cần thiết có chương trình miễn giảm thuế, chương trình hỗ trợ trung hạn” – ông Lịch nói.