Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GDĐT cho rằng: Hoạt động thể thao đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giáo dục thể chất ở nhà trường, tạo được sự đam mê cho học sinh sinh viên.
Vừa rồi, tại Lễ công bố và ký kết hợp tác tổ chức các hoạt động truyền thông thể thao trường học giai đoạn 2020 - 2025 giữa Bộ GDĐT và Đài Truyền hình Việt Nam, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GDĐT cho rằng: Hoạt động thể thao đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giáo dục thể chất ở nhà trường, tạo được sự đam mê cho học sinh sinh viên.
Theo ông Nhạ, khi thiết kế chương trình giáo dục thể chất, tài liệu sách giáo khoa (SGK) chỉ có tính chất hướng dẫn còn tạo dựng đam mê hiệu quả phải thông qua các hoạt động thể thao thực chất.
Vậy giáo dục thể chất hiện nay trong các nhà trường ra sao? Nếu làm một khảo sát nhỏ với học sinh, câu trả lời không phải chờ đợi lâu, đó là em không thích học môn thể dục.
Có nhiều lý do được đưa ra: Môn học này không hấp dẫn, hoặc các em không được chọn môn thể thao đúng sở trường. Đa phần những tiết học thể dục hiện nay rất buồn tẻ, đơn điệu.
Thậm chí từ thời các phụ huynh đi học cho tới hôm nay, vẫn là những môn vận động chạy xa, nhảy cao… Gần đây, trước yêu cầu phổ cập bơi trong trường tiểu học, một số nhà trường đã có bể bơi di động hoặc lắp ghép.
Nhưng do nhiều phụ huynh thấy không an toàn (về tiêu chuẩn nước sạch, về không gian…) nên cũng không mặn mà cho con em theo học.
Lâu nay, các nhà trường lấy gì làm căn cứ để đánh giá thể lực học sinh? Rõ ràng vẫn chưa có quy định bắt buộc các trường phải có sự kiểm tra thể lực, sức khoẻ đầu mỗi năm học và đánh giá lại thể lực, sức khoẻ sau quá trình rèn luyện vào cuối năm học.
Rèn luyện thể chất trong nhà trường có ý nghĩa về nhiều mặt đối với sức khỏe và sự phát triển của học sinh. Nó không chỉ giúp các em có sức khỏe tốt mà còn rèn tính kỷ luật, ý thức tập thể, rèn luyện ý chí và tinh thần đồng đội, giúp các em phát triển toàn diện, giảm stress...
Thế nhưng đáng buồn thay là thể dục nói riêng, giáo dục thể chất nói chung vẫn chỉ bị coi là môn phụ, là việc phụ.
Tâm tư chung của nhiều giáo viên dạy bộ môn thể dục cũng vậy, bởi xét trong tương quan các môn khác, môn của họ có phần “lép vế” hơn rõ rệt. Âu cũng bởi xuất phát từ quan niệm chưa đầy đủ về giáo dục thể chất, về môn thể dục. Nhiều giáo viên đã tuyên bố rằng các em cần phải học tốt Văn, Toán, Ngoại ngữ… điểm thể dục có thể cô sẽ “xin” giúp…
Vô hình trung, quan niệm của người lớn đã làm mất đi cơ hội rèn luyện thân thể/tinh thần của trẻ em, mất đi cơ hội thích ứng và hài hòa với các điều kiện sống, điều kiện, môi trường học tập và hoàn cảnh xã hội của mỗi học sinh.