Không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
1. Trong một lần trao đổi với PV Đại Đoàn Kết – Tinh hoa Việt liên quan đến công tác xây dựng Đảng, PGS-TS Lê Quốc Lý - nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Hiện toàn Đảng, Ban Tuyên giáo, các Bộ, ban ngành và các học viện đã triển khai Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Tinh thần chống “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về đạo đức lối sống đã phổ biến trực tiếp cụ thể tới từng đảng viên, chi bộ. Những kết quả 4 năm vừa qua đạt được là khả quan, tích cực, tạo sự chuyển biến tốt, niềm tin của nhân dân vào Đảng đã tăng lên. “Đặc biệt Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, Quy định số 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đã cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Những cái đó đã đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả, những trường hợp như: vụ Lê Phước Hoài Bảo con ông Lê Phước Thanh nguyên Bí thư Quảng Nam, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Đà Nẵng đều bị kỷ luật”.
Điều ông Lê Quốc Lý nói là hoàn toàn chính xác. Bốn năm qua, nhờ sự kiên quyết, kiên trì của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, chúng ta đã siết chặt hơn công tác xây dựng Đảng bằng việc ban hành hàng loạt các Quy định. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường và đạt kết quả khá toàn diện; kỷ luật, kỷ cương trong Đảng được siết chặt, pháp luật của Nhà nước được đề cao. Xin được dẫn lại một số số liệu, tuy không mới nhưng để thấy, công việc mà các ban Đảng đã làm trong suốt thời gian gần 5 năm qua. Đó là, chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ đến cuối tháng 6/2019, các cấp ủy và chi bộ đã thi hành kỷ luật gần 800 tổ chức Đảng và hơn 42.000 đảng viên bằng các hình thức, trong đó có hơn 9.300 cấp ủy viên các cấp, riêng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kỷ luật 4 tổ chức Đảng, 28 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kỷ luật hơn 11 nghìn đảng viên, trong đó có hơn 4.300 ủy viên các cấp. Đáng chú ý là, trong số đảng viên bị kỷ luật có thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 Uỷ viên Bộ Chính trị và 4 Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XII, 14 nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 1 nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, 5 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 Bí thư Tỉnh uỷ, 5 nguyên Bí thư Tỉnh uỷ và 17 tướng lĩnh; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự; Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã kỷ luật 7 tổ chức Đảng.
2. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. Có lẽ, cũng vì thế mà công tác kiểm tra, giám sát Đảng đã được tăng cường trong thời gian qua và là một trong những nội dung quan trọng mà Đảng ta cố gắng làm tốt để tìm cách thanh lọc những “mầm bệnh” có nguy cơ làm yếu đi sức chiến đấu của các tổ chức Đảng. Những “mầm bệnh” ấy tuy không nhiều, nhưng nó như một thứ virus có sức lây lan mạnh, đang len lỏi trong một số tổ chức Đảng tại cơ sở và chỉ chờ dịp để “tấn công” vào những tổ chức cơ sở Đảng có sự nể nang, coi nhẹ công tác xây dựng Đảng. Vì thế, dù đau lòng khi phải kỷ luật đồng chí của mình, nhưng chúng ta vẫn phải thực hiện công việc này.
Trong kỳ họp thứ 41 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa kết thúc mới đây cũng có nhiều vụ việc được nêu tên; nhiều cán bộ kể cả cán bộ cấp Trung ương được đề nghị kỷ luật vì những việc mình gây nên; và vì cả việc để cho gia đình thao túng hoạt động của địa phương, đơn vị do mình phụ trách. Đó thật sự là điều đáng tiếc. Nhưng, pháp luật và kỷ luật Đảng là công bằng và nghiêm khắc với tất cả; nên có lẽ, những cán bộ mắc sai phạm và cả những cán bộ để cho người thân lạm quyền, lộng quyền sẽ không thể vô can và làm như chưa hề biết gì. Đáng nói là, tỷ lệ người nhà, người thân của cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo ở một số ngành, một số địa phương lạm quyền, tìm lợi ích cho cá nhân và gia đình tuy không phải là phổ biến, nhưng nó cũng ở mức độ để không còn có thể đánh giá là quá cá biệt. Có lẽ, nhận biết được hiện tượng đáng báo động này, mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Quy định Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền - những biểu hiện cũng là biến tấu của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
3. Quy định 205 ra đời đã tạo cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thêm niềm tin và hy vọng công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng sẽ đạt nhiều kết quả hơn nữa và Đảng sẽ có thêm phương thuốc đặc trị chữa bệnh vô cảm, bệnh lạm quyền, lộng quyền, bệnh xa rời nhân dân, hay nói gọn lại là có phương thuốc đặc trị chữa bệnh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng - đánh giá “đây là bước phát triển đáng mừng để toàn Đảng căn cứ vào đấy có biện pháp phòng ngừa. Chúng ta chỉ có thể làm được khi các cấp ủy tổ chức Đảng và người trực tiếp làm công tác cán bộ - là các cơ quan tổ chức - đề cao được trách nhiệm”. Vẫn theo ông Phúc, trước đây chúng ta đã từng có nhiều quy định về không bố trí người thân, người nhà cùng đảm nhiệm các chức danh liên quan. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nêu các hiện tượng như vậy. Bây giờ Quy định thêm một lần nêu rõ các hiện tượng đó bị nghiêm cấm và nó đã được nhận diện cho rõ và chỉ đạo thực hiện cho quyết liệt. “Người thân trong gia đình có phẩm chất năng lực đến đâu thì bố trí đúng vị trí đó một cách trong sáng, vô tư, minh bạch, dân chủ thì không có ai kêu ca hay lợi dụng để hạ thấp uy tín lãnh đạo. Trung thực, dân chủ, minh bạch, trong sáng với người khác kể cả với người thân thì có thể xử lý được câu chuyện lợi ích nhóm, sân sau trong công tác cán bộ” - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nêu quan điểm.
Trên thực tế, chạy chức chạy quyền là hiện tượng đã có trong thực tế và trong thời gian qua, Đảng ta phải xử lý nhiều vụ việc như thế tại các địa phương. Quy định 205 của Bộ Chính trị ra đời chính là để ngăn chặn, hay nói cách khác phòng và chống những hiện tượng tiêu cực, trong đó đích đến là phòng chống chạy chức chạy quyền và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Điểm đặc biệt nữa trong Quy định 205 chính là đưa ra cả những quy định xử lý những người đứng đầu đã lựa chọn cán bộ không đúng, che giấu sự lựa chọn không đúng của mình bởi lợi ích nhóm hay động cơ tiêu cực khác. Nói cách khác, đây cũng là quy định xử lý những người có trách nhiệm trong lựa chọn cán bộ.
Với những quy định cụ thể, rõ ràng chúng ta có quyền tin rằng Quy định 205 sẽ khắc phục được cả những tồn tại hạn chế trong công tác cán bộ trước kia và phòng chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ hiện nay. Bên cạnh đó, thực hiện Quy định cũng là cách để cán bộ tự biết phải tu dưỡng thế nào và biết những điều không được làm để không dám làm; từ đó, ngày càng hạn chế hơn nữa những sai phạm đến mức phải kiểm tra dấu hiệu vi phạm; đến mức phải xem xét kỷ luật đối với nhiều cán bộ như thời gian vừa qua.