Đầu tư cho sáng tạo nghệ thuật

Hoàng Minh 27/10/2023 08:53

Có hiệu lực từ năm 2015, Nghị định số 21/2015/NĐ-CP đã tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trong việc xây dựng dự toán và thanh, quyết toán kinh phí chi trả nhuận bút, thù lao hàng năm; góp phần thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động sáng tạo và phổ biến các giá trị văn học, nghệ thuật và khoa học, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và nhu cầu hưởng thụ của công chúng.

Việc chi trả thù lao, chế độ cho văn nghệ sĩ còn nhiều bất cập. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được trong thời gian qua, Nghị định cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, đánh giá để có thể sửa đổi, bổ sung kịp thời, trước hết đảm bảo sự đồng bộ, phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022, Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Bên cạnh đó, đầu tư ngân sách cho sáng tạo các tác phẩm, chương trình nghệ thuật vẫn còn dàn trải, chưa tương xứng; xuất hiện sự khác biệt lớn giữa các địa phương có sự phát triển kinh tế - xã hội khác nhau, chế độ nhuận bút, thù lao dành cho giới văn nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác chưa được quan tâm đúng mức và chưa thỏa đáng với công sức sáng tạo.

Đơn cử như lĩnh vực nhiếp ảnh là một trong các loại hình tác phẩm dễ bị sao chép, khai thác, sử dụng để làm tác phẩm phái sinh. Nghị định chưa quy định về nhuận bút trong trường hợp sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh để làm tác phẩm phái sinh. Đối với tác phẩm sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, một số thể loại như phim ngắn, tiểu phẩm dưới 20 phút, clip tuyên truyền, phim ca nhạc…; Hoạt cảnh, Màn phức hợp, Tổ khúc ca cảnh, Mash up... chưa được bổ sung tại Nghị định. Bên cạnh đó, về các chức danh sáng tạo tác phẩm tại một số loại hình như điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và loại hình nghệ thuật biểu diễn khác chưa quy định cụ thể tại Nghị định nên khó vận dụng để tính định mức và thực hiện chi trả nhuận bút, thù lao. Có thể kể đến như với tác phẩm điện ảnh: chưa có chức danh tác giả kịch bản, người làm phục trang, người chỉ đạo... thực hiện chương trình, chỉ đạo nghệ thuật. Đối với một số loại hình nghệ thuật biểu diễn thì số chức danh như người chỉ đạo thực hiện chương trình, chỉ đạo nghệ thuật, trợ lý đạo diễn, phó tổng đạo diễn chưa được quy định tại Nghị định số 21/2015/NĐ-CP. Một số loại hình nghệ thuật biểu diễn có tính tổng hợp, tiếp cận thành tựu khoa học công nghệ nghe nhìn trong lĩnh vực nghệ thuật, trong định hướng chuyển đổi số... cần có sự tham gia của nhiều chức danh sáng tạo nghệ thuật khác nhau chưa được cập nhật tại Nghị định số 21.

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng cho biết, trong thời gian tới Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VHTTDL) sẽ lấy ý kiến của đơn vị chuyên môn, để bám sát hơn về thực tiễn thi hành và những yếu tố cần thiết cho quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý về chế độ nhuận bút. Trong giai đoạn tới, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các chính sách khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ, người sáng tạo nghệ thuật sáng tạo nhiều tác phẩm chất lượng tốt phục vụ công chúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đầu tư cho sáng tạo nghệ thuật