Đầu tư và tài trợ cho văn hóa không chỉ giúp bảo tồn di sản, phát triển công nghiệp văn hóa mà còn tạo nguồn lực để phát triển bền vững. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, hiện chúng ta vẫn đầu tư dàn trải, thiếu tập trung...
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, văn hóa đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc tạo dựng bản sắc dân tộc và nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.
Vì vậy, đầu tư và tài trợ cho văn hóa không chỉ giúp bảo tồn di sản văn hóa, phát triển các ngành công công nghiệp văn hóa và sáng tạo mà còn tạo nguồn lực để hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng các quy mô đầu tư và tài trợ thành công trong lĩnh vực văn hóa, tạo ra những giá trị bền vững cho cộng đồng.
Tại Việt Nam, việc triển khai các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý rõ ràng, sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa còn thiếu đồng bộ, dẫn đến việc khai thác nguồn lực không hiệu quả. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt các ấn phẩm sách báo và cuộc hội thảo khoa học trong lĩnh vực này cũng khiến các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các nhà đầu tư tiềm năng khó khăn trong tìm kiếm thông tin chuyên sâu.
“Điều này không chỉ hạn chế khả năng tiếp cận kiến thức, mà còn giảm cơ hội kết nối và hợp tác giữa các bên liên quan. Hệ quả là, nhiều sáng kiến và dự án tiềm năng không được phát triển hoặc triển khai một cách hiệu quả” - PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Quang Minh - Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ VHTTDL) cho rằng, tại Việt Nam, các chính sách văn hóa hiện nay chủ yếu tập trung vào các mục tiêu văn hóa, xã hội và chính trị, trong khi các mục tiêu kinh tế chưa được chú trọng đúng mức. Điều này khiến việc thiết kế các công cụ đầu tư và tài trợ của Nhà nước chưa phù hợp và toàn diện.
“Việc mở rộng các mục tiêu kinh tế trong chính sách văn hóa không chỉ là điều cần thiết mà còn là một bước đi chiến lược trong quá trình hội nhập và chuyển đổi kinh tế. Điều này sẽ giúp nhà nước xây dựng các công cụ đầu tư hiệu quả hơn, đáp ứng cả nhu cầu bảo tồn văn hóa lẫn phát triển kinh tế trong thời kỳ mới”- ông Đỗ Quang Minh chia sẻ.
Còn theo nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Quốc Trung, trong nhiều năm qua, nhà nước đã quan tâm đầu tư vào văn hóa, tuy nhiên, việc đầu tư thường diễn ra một cách dàn trải, thiếu tập trung và đồng bộ. Đặc biệt là thiếu mục tiêu cụ thể và đánh giá hiệu quả đầu tư một cách khách quan.
Ông Trung nhấn mạnh: "Nếu không đánh giá đúng, chúng ta sẽ không thể xây dựng chiến lược phù hợp và xác định chính xác những mục tiêu cũng như khu vực cần đầu tư. Tất cả những yếu tố này dẫn đến tình trạng mặc dù nhà nước đã và đang đầu tư, nhưng những người làm văn hóa, nghệ sĩ vẫn cảm thấy thiếu thốn, và không có cơ hội tiếp cận hay sử dụng những nguồn lực đầu tư đó".
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế là rất cần thiết. Nhiều quốc gia đã thành công trong việc vận dụng các mô hình đầu tư và tài trợ văn hóa như: Pháp, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...