Trong khuôn khổ hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và quốc gia xây dựng chương trình giáo dục mầm non” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa tổ chức tại Hà Nội, một vấn đề lớn được đặt ra là làm thế nào để xây dựng chương trình mầm non khoa học, phù hợp với thực tiễn Việt Nam?
Theo báo cáo của Bộ GDĐT, hiện nay, chương trình giáo dục mầm non được thực hiện ở gần 15.500 cơ sở, đạt tỷ lệ 100%, trong đó có gần 5,3 triệu trẻ học 2 buổi/ngày, đạt 99% tổng số trẻ. Qua hơn 10 năm triển khai, chương trình giáo dục mầm non đã thể hiện tính ưu việt, khoa học, phù hợp với thực tiễn; giúp giáo viên chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai. Kết quả nổi bật trên cả nước là số trẻ được huy động đến trường ngày càng tăng. Tính đến năm học 2019-2020, cả nước huy động được gần 5,8 triệu trẻ em đến trường, tăng gần 1,9 triệu trẻ so với năm học 2010-2011.
Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, hơn 10 năm qua việc triển khai chương trình giáo dục mầm non đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho các bậc học tiếp theo, trong đó có giáo dục phổ thông. Trong bảng xếp hạng các quốc gia về lĩnh vực giáo dục năm 2021, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020.
Hội thảo đã ghi nhận ý kiến trao đổi, báo cáo về kinh nghiệm xây dựng Chương trình giáo dục mầm non của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam từ các chuyên gia của Ngân hàng thế giới.
Theo TS Aija Rinkinen - chuyên gia cao cấp về giáo dục tại Ngân hàng thế giới, xây dựng chương trình giáo dục mầm non không chỉ đơn thuần là nơi chăm sóc trẻ để cha mẹ đi làm mà thay vào đó là xây dựng triết lý giáo dục. Tại đó, trẻ em là trung tâm, chăm sóc và phát triển trẻ là phương pháp. Giáo viên được liên tục bồi dưỡng để cập nhật, đổi mới; trẻ em được xác định và hỗ trợ các nhu cầu cần thiết. Nhà trường phối hợp với phụ huynh, gia đình cùng với các tổ chức xã hội, y tế…
Theo PGS.TS Vũ Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GDĐT), nội dung chương trình giáo dục mầm non cần thể hiện rõ nét hơn tính liên thông với chương trình giáo dục phổ thông; trong đó cần xem xét lại khả năng tiền học đọc và tiền học viết cho trẻ 5 tuổi để liên thông với tiếng Việt tiểu học.
Còn GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đề xuất, dựa trên mục tiêu và kết quả mong đợi cuối độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, các địa phương và từng nhà trường lựa chọn nội dung giáo dục gần gũi, phù hợp để xây dựng các chủ đề giáo dục, các hoạt động trải nghiệm, tổ chức cho trẻ em học qua chơi... Nhấn mạnh đến tính mở của chương trình giáo dục mầm non mới, ông Vinh cho rằng, chương trình giáo dục mầm non quốc gia là chương trình khung, các địa phương và từng trường phát triển chương trình phù hợp. Cách tiếp cận này cung cấp khả năng phát triển chương trình giáo dục mầm non mới dựa trên điều kiện, khả năng và nhu cầu cụ thể của các nhóm trẻ, dựa vào đặc điểm cụ thể của khu vực, nhà trường...
Từ những kinh nghiệm được trao đổi tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị nhóm biên soạn tiếp tục đánh giá, khảo sát sâu hơn đối với chương trình giáo dục mầm non hiện hành, tiếp thu ý kiến từ giáo viên - những người trực tiếp triển khai chương trình về những thuận lợi, vướng mắc. Cho rằng, học tập kinh nghiệm của thế giới là rất quan trọng, song ông Sơn cũng lưu ý, việc thiết kế chương trình phải phù hợp, khả thi với triển khai thực tế tại Việt Nam, về điều kiện, mức sống, đội ngũ giáo viên... Cần có sự phân tích kỹ những đối tượng sẽ chuyển hóa, thực thi chương trình này trong thực tế, với bối cảnh một vài năm tới chưa có sự thay đổi đáng kể nào so với hiện nay.
Thống nhất với mục tiêu chung là nhằm phát triển con người toàn diện, song ông Sơn cho rằng, cần định hướng các giá trị ở bậc học mầm non theo hướng giản dị, trong đó, định hướng đầu tiên là sự lương thiện của con người. “Vì đây là vấn đề hệ trọng, không được phép sai lầm, nên cần rút kinh nghiệm những giai đoạn trước, việc khảo sát, thử nghiệm phải làm rất thấu đáo. Mục tiêu là có một chương trình giáo dục mầm non tốt, phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với khả năng thực hiện. Tinh thần là dành tất cả những gì tốt nhất cho trẻ em và cần chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất, giáo viên, tâm thế, truyền thông… để có thể có được kết quả tốt nhất” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.