Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những trụ cột của hệ thống an sinh xã hội. Tuy nhiên để đạt độ bao phủ 100% tham gia BHYT, bên cạnh chính sách, cơ chế rất cần có sự phối hợp của toàn xã hội.
“Lá chắn” chăm sóc sức khỏe cho người dân
Không may mắc bệnh u não, dù là u lành nhưng bà Nguyễn Thị Hoa (Vĩnh Phúc) buộc phải chuyển viện về viện tuyến trên để phẫu thuật. Nghe đến tuyến trên bà Hoa đã vô cùng lo lắng vì chi phí chữa bệnh tốn kém trong khi gia đình chỉ sống dựa vào cấy lúa và trồng rau. Tuy nhiên, khi nghe các bác sĩ giải thích mọi chi phí đều được quỹ BHYT thanh toán bà Hoa mới thở phào nhẹ nhõm.
“Sau 2 tuần phẫu thuật thành công tôi được ra viện. Cũng may nhờ tham gia BHYT tự nguyện mà mọi chi phí đều được quỹ BHYT thanh toán, tôi chỉ phải đóng 10 triệu đồng tiền dịch vụ và một chi phí phụ khác. Nếu không có thẻ BHYT, ước tính số tiền viện phí phải đóng cũng đến gần 100 triệu đồng. Với số tiền này gia đình tôi không dễ xoay sở được” - bà Hoa giãi bày.
Với người bệnh, việc giảm bớt gánh nặng kinh tế lúc điều trị bệnh là tác dụng lớn nhất mà BHYT mang lại, nhất là những người mắc bệnh hiểm nghèo. Đặc biệt, những năm gần đây, quyền lợi hưởng BHYT đã được mở rộng giúp người bệnh có thể tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến, được thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật gồm: khám bệnh, giường bệnh, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật - thủ thuật... Nhờ tham gia BHYT, nhiều trường hợp không may bị tai nạn, ốm đau đã vượt qua giai đoạn khó khăn.
Không chỉ với bệnh nhân nghèo mà ngay với những gia đình khá giả, khi tham gia BHYT cũng nhẹ gánh chi phí.
Về hưu với mức lương hưu cao (15 triệu đồng/tháng) nhưng khi được hỏi về lợi ích tấm thẻ BHYT, ông Nguyễn Văn Toàn (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, chỉ khi có bệnh, bị ốm phải điều trị lâu dài mới thấy được giá trị của tấm thẻ BHYT. “Tôi bị tiểu đường cộng với bệnh hen mãn tính, lúc đầu cũng ngại đông nên đi khám tư không dùng đến thẻ BHYT. Tuy nhiên mỗi tháng tiền thuốc cũng như tiền khám cũng hết từ 2 đến 3 triệu đồng. Nghĩ cũng xót nên tôi chuyển vào khám BHYT, thay vì mất tiền triệu thì mỗi tháng tôi chỉ tốn chừng gần 200.000 đồng/ một lần đi khám và lấy thuốc.
Cần sự chung sức của xã hội
Từ những câu chuyện trên cho thấy, chính sách BHYT đã phát huy vai trò là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, là “túi tiền” dự phòng quan trọng giúp người dân khi ốm đau không rơi vào cảnh nghèo đói. Đó cũng là giá trị nhân văn mà chính sách BHYT mang lại cho cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay theo thống kê của ngành BHXH, cả nước có trên 93,3 triệu người tham gia BHYT, như vậy vẫn còn hơn 6% dân số chưa có thẻ BHYT.
Biết được giá trị của tấm thẻ BHYT nhưng vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên ông Nguyễn Văn Cuốc (Nghệ An) cũng chỉ dám mua thẻ BHYT cho 3 đứa con. Thật không may trong một lần đi khám sàng lọc bệnh lao do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI) phối hợp với Bệnh viện Lao phổi Nghệ An tổ chức, ông Cuốc phát hiện mình mắc bệnh lao. Nhận kết quả, ông suy sụp vì nỗi lo viện phí khi không có thẻ BHYT.
“Dù đã nhận kết quả và được các bác sĩ tận tình hướng dẫn chuyển lên viện phổi tỉnh để điều trị nhưng nghĩ đến việc điều trị kéo dài 6 tháng tôi không khỏi lo lắng. Trong nhà không có nổi chiếc xe để đi làm thì làm sao có tiền để chữa bệnh” - ông Cuốc chia sẻ.
Bác sĩ Hồ Sơn - Giám đốc Trung tâm Y tế Nam Đàn, Nghệ An cho biết, thời gian qua, tổng số ca bệnh lao tại huyện là gần 3.100 ca. Số người mắc lao tăng khá bất ngờ do sau khi hết dịch Covid- 19, người dân ít chú ý vấn đề về sức khỏe. Bên cạnh đó, một số bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, không có thẻ BHYT nên bỏ điều trị.
Phản ánh từ các địa phương cũng cho biết, nguyên nhân khiến tỷ lệ bao phủ tham gia BHYT chưa đạt kỳ vọng phần lớn những người chưa tham gia BHYT là những người cận nghèo, vì điều kiện kinh tế khó khăn nên chỉ ưu tiên mua thẻ BHYT tự nguyện cho những thành viên có vấn đề về sức khỏe. Chính vì vậy, rất nhiều người cận nghèo đã trở thành hộ nghèo nếu không may mắc bệnh vì chi phí chữa bệnh lớn buộc phải vay nợ.
Với mong muốn mọi người dân đều được bảo vệ bởi lưới an sinh xã hội, Chương trình “Tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn” trên phạm vi cả nước được BHXH Việt Nam tổ chức thường niên. Thông qua chương trình đã có hàng chục nghìn người được tặng thẻ BHYT, sổ BHXH. Chỉ tính riêng trong năm 2024 BHXH Việt Nam và các địa phương đã huy động được hơn 20 tỷ đồng mua tặng thẻ BHYT, sổ BHXH cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Cùng với ngành BHXH, nhiều địa phương, các tổ chức xã hội cũng vào cuộc quyên góp mua tặng thẻ BHYT cho người yếu thế. Điển hình như SCDI bên cạnh việc khám sàng lọc chủ động lao miễn phí cũng triển khai tặng thẻ BHYT cho bệnh nhân lao nghèo. Nhờ sự hỗ trợ từ dự án đã có hàng trăm bệnh nhân lao nghèo có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế khám chữa bệnh kịp thời.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, trong 5 năm trở lại đây, sổ BHXH, thẻ BHYT đã và đang ngày càng được nhiều tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm lựa chọn là món quà thiết thực và ý nghĩa trao tặng đến người nghèo, người khó khăn. Mỗi cuốn sổ BHXH, tấm thẻ BHYT được trao tặng đến người có hoàn cảnh khó khăn không chỉ là sự chia sẻ về vật chất mà còn là sự động viên về tinh thần vô cùng to lớn đồng thời là chìa khóa để tiến tới thực hiện mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân.