Nằm trong khuôn khổ Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội, đại diện giới làm điện ảnh các nước ASEAN đã có buổi gặp gỡ, trao đổi và đề xuất những phương án nhằm đẩy mạnh hợp tác sản xuất phim tại buổi tọa đàm “Hợp tác sản xuất, phát hành phim giữa các nước thành viên ASEAN”.
Tọa đàm “Hợp tác sản xuất, phát hành phim giữa các nước thành viên ASEAN”.
Bước đột phá mới
TS Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh chia sẻ: “ASEAN là một cộng đồng chung, cơ hội hợp tác trong điện ảnh sẽ ngày một được nâng lên, điều này sẽ tạo ra nhiều đột phá mới trong tương lai, từng bước đẩy mạnh nền công nghiệp điện ảnh của các nước trong khu vực”. Bà Lan cũng hi vọng, thời gian tới, nếu các nền điện ảnh khu vực ASEAN nắm chặt tay nhau sẽ có nhiều hơn những bộ phim chất lượng, bắt kịp với thời đại, đủ khả năng cạnh tranh tại các giải thưởng lớn của thế giới.
Đại diện cho cộng đồng ASEAN, Phó Tổng Thư ký - Ngài Vongthep Arthakaivalvatee chia sẻ: Điện ảnh giúp nhân dân các nước trong khu vực đến gần nhau hơn. Thông qua các bộ phim, người dân có thể nắm bắt nhanh nhất về văn hóa, con người ở các khu vực trên thế giới. Theo ông, với các sự kiện như HANIFF 2016, Việt Nam đã nắm bắt được tinh thần của việc hợp tác phát triển điện ảnh là lấy con người làm trung tâm, đưa mọi người đến gần nhau hơn, cùng chia sẻ mục tiêu chung - phát triển điện ảnh khu vực.
Với quan niệm hợp tác là tất yếu, những ưu điểm, hạn chế, giải pháp để khắc phục khó khăn trong việc hợp tác sản xuất, phát hành phim tại các nước ASEAN được chia sẻ trong các sự kiện của liên hoan phim. Việc tìm cách thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp trong lĩnh lực làm phim cũng được bàn luận sôi nổi để hợp tác sản xuất, phát hành phim trở thành thế mạnh của cả khối.
Cần thêm sự hỗ trợ
Ông Đỗ Duy Anh- Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTT&DL) chia sẻ: Điện ảnh Việt Nam là một trong những nền điện ảnh đã có Luật Điện ảnh, đã có chiến lược phát triển điện ảnh và qui hoạch phát triển điện ảnh cụ thể được Bộ VHTT&DL phê duyệt. Đây là tín hiệu mừng vì chính sách của Việt Nam đang khuyến khích các cơ sở, nhà đầu tư sản xuất phim và xây dựng rạp chiếu phim.
Việt Nam cũng thường xuyên có chính sách tài trợ và đặt hàng những phim phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, phục vụ đồng bào dân tộc vùng núi, vùng sâu vùng xa, hải đảo… hàng năm với sự phát triển của đội chiếu phim lưu động cũng đã phục vụ được 11 đến 11,5 triệu lượt xem. Dẫu vậy hợp tác sản xuất phim của Việt Nam và nước ngoài chưa được nhiều lắm, hầu hết là cung cấp những dịch vụ cho nước ngoài để sản xuất phim.
Có mặt tại buổi tọa đàm, bà Wei Xuan Sim - Ủy ban Điện ảnh Singapore cho rằng: Việc sản xuất, phát hành phim trong khu vực cần có sự hỗ trợ của chính phủ các nước. Singapore thường có nhiều hoạt động hỗ trợ sản xuất, phát hành phim, nhất là trong những liên hoan phim quốc tế được tổ chức tại đây.
Cụ thể, năm 2015 có 148 ý tưởng, dự án tham gia tham gia liên hoan này, trong số đó có 15 ý tưởng, dự án của các nhà làm phim Singapore và một số nước tham dự được chọn hỗ trợ. Năm 2016, Singapore cũng tổ chức hội thảo kết nối sản xuất phim giữa châu Âu và châu Á để thúc đẩy sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Trong năm, Văn phòng hỗ trợ sản xuất phim của một quỹ truyền thông toàn cầu đã được thành lập tại Singapore tổ chức các hoạt động từ hỗ trợ kết nối, hỗ trợ đánh giá dự án, đến hỗ trợ tài chính, tìm nguồn trợ giúp từ bên ngoài. Tuy nhiên, những nhà làm phim Singapore vẫn mong muốn có thêm sự hỗ trợ từ nước ngoài để có họ có thể làm được nhiều bộ phim ở trong, ngoài nước bắt kịp với khu vực và thế giới.
Trước những khó khăn và kì vọng đã được nêu ra của đại diện các nước có thể thấy, vấn đề cần được giải quyết trong việc hợp tác sản xuất phim đó là phải tạo ra được những cơ hội, hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các tổ chức và nhà làm phim có thể bắt tay nhau xây dựng nền công nghiệp sản xuất phim một cách có hệ thống và đem lại hiệu quả tốt nhất, góp phần nâng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, phát triển của các nước trong khu vực.