Đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề

Minh Quang - Khanh Lê 19/10/2020 09:00

Chương trình giao lưu trực tuyến “Giải pháp phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Chất lượng đào tạo nghề trong những năm gần đây đã có những tiến bộ đáng kể.

“Giải pháp phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” là chủ đề của chương trình giao lưu trực tuyến được tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, với sự tham gia của lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đại diện khối trường nghề và các doanh nghiệp. Tại đây những bất cập cũng như những giải pháp nâng cao kỹ năng nghề cũng đã được chỉ ra.

Lo bỏ lỡ cơ hội dân số vàng

Nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề. Trong đó để thực hiện tốt nâng cao trình độ tay nghề, chuẩn hóa tay nghề, kỹ năng của đội ngũ lao động có hai mức: Mức quốc gia và địa phương. Ở mức quốc gia, với cơ quan quản lý, trong Chỉ thị 24 xác định rõ, Bộ LĐTBXH có trách nhiệm thay mặt Chính phủ quản lý nhà nước về lao động việc làm và giáo dục nghề nghiệp cần xây dựng một loạt quy định về thể chế, khung pháp lý, các quy định chuẩn kỹ năng nghề, triển khai các chương trình chuyên gia quốc tế trong nghề nghiệp gồm: Đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo viên để đánh giá kỹ năng nghề của người lao động theo chuẩn.

Với các địa phương, Chỉ thị 24 quy định rõ, các địa phương có hai nhiệm vụ quan trọng: Thứ nhất là tập trung đầu tư nâng cao năng lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và thứ hai là khuyến khích doanh nghiệp tạo những cơ chế, chính sách sử dụng lực lượng lao động được đào tạo, cung cấp ra thị trường thông qua đào tạo.

Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành riêng một Chỉ thị cho thấy, ý nghĩa, tầm quan trọng và sự bức thiết trước yêu cầu đổi mới mạnh mẽ trong tình hình mới. Chỉ thị 24/CT-TTg đặt mục tiêu theo lộ trình đến năm 2030, GDNN Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20.

Đánh giá về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay, TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thẳng thắn cho rằng, hiện Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng, có một lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khoảng 56 triệu. Lực lượng này là nguồn lao động được đánh giá dồi dào, thông minh, chịu khó, thích ứng nhanh với công nghệ hiện đại. Việc đào tạo lực lượng lao động những năm gần đây có tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo chưa được như mong muốn. Doanh nghiệp khi tuyển dụng còn nhiều băn khoăn về trình độ tay nghề kỹ năng lao động, ý thức lao động. Do đó, nguồn lực về mặt số lượng dồi dào nhưng nếu không tận dụng tốt lực lượng lao động này sẽ nhanh chóng bước qua giai đoạn dân số vàng và cơ hội không quay lại nữa. Trong bối cảnh Việt Nam vừa ký một loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì đây là cơ hội vàng cho Việt Nam. Những hiệp định này vừa là cơ hội về cơ chế chính sách, vừa tận dụng được tốt nguồn nhân lực đang ở giai đoạn dân số vàng.

Phân bổ “công bằng” về nguồn lực cho GDNN

TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, hiện nay Bộ LĐTBXH đang gấp rút hoàn thiện về cơ chế nhằm hướng dẫn các trường, địa phương triển khai hiệu quả Chỉ thị 24. Đồng thời Tổng cục GDNN cũng đang xây dựng thông tư quy định các ngành nghề bắt buộc phải sử dụng lao động có chứng chỉ bằng cấp qua hệ thống GDNN, hoặc chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Trên thị trường lao động hiện nay, có nhiều người lao động đang làm việc nhưng không hề có chứng chỉ ngành nghề.

Theo ông Dũng, trong 5 năm vừa qua, Tổng cục GDNN đã xây dựng được gần 300 bộ tiêu chuẩn về định mức kinh tế kỹ thuật, và chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở đào tạo. Những bộ tiêu chuẩn này có sự tham gia của doanh nghiệp, vì chính họ mới hiểu hơn ai hết những yêu cầu về vị trí việc làm, về tiêu chuẩn đào tạo như thế nào và đặt hàng. Xây dựng hệ thống quản lý đánh giá kỹ năng nghề, rà soát lại, bổ sung các danh mục ngành nghề mà hiện nay còn thiếu so với thị trường lao động.

Đồng thời với đó là việc triển khai thí điểm mô hình Hội đồng quản lý kỹ năng nghề với sự tham gia của Hiệp hội doanh nghiệp để họ xác định yêu cầu về tiêu chuẩn đào tạo, yêu cầu về vị trí việc làm, kỹ năng nghề nghiệp mà người lao động cần có, để chúng tôi thiết kế quay trở lại và phát triển chương trình để chuyển đổi đào tạo.

Mặc dù vậy để thực hiện chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo giai đoạn tới, ông Trương Anh Dũng cho rằng, cần ưu tiên phân bổ ngân sách cho GDNN trong tổng chi ngân sách nhà nước dành cho giáo dục, đào tạo và trong các chương trình, dự án của ngành, địa phương để tiếp tục đầu tư nâng cao các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, đổi mới cơ chế phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước hiện nay sang đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ theo số lượng và chất lượng, kết quả đầu ra nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

Theo ông Dũng, hiện nay, theo thống kê, nguồn ngân sách nhà nước dành cho lĩnh vực GDNN chiếm khoảng 8% trong tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề. Tuy nhiên, nguồn kinh phí trên chưa thể đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

Theo TS Phạm Tất Thắng, một vấn đề cấp thiết hiện nay của chúng ta là cần có quy hoạch dự báo nguồn nhân lực và gắn với đó là việc đào tạo, GDNN. Thực tế, trong GDNN và đào tạo bậc CĐ- ĐH, do chúng ta chưa có quy hoạch dự báo về nhu cầu nguồn lao động, cũng như quy hoạch đào tạo nghề đi cùng, dẫn đến nhà trường thường đào tạo theo khả năng nhà trường mà chưa gắn với nhu cầu thực tế của xã hội và thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO