Theo Bộ Tư pháp, năm 2020 dù đã có nhiều văn bản có quy định trái pháp luật đã được phát hiện và kịp thời xử lý, tuy nhiên, chất lượng một số hồ sơ dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) còn thấp; tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành chưa được khắc phục triệt để…
Nhiều văn bản có quy định trái pháp luật được phát hiện
Đánh giá về công tác kiểm tra VBQPPL, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, năm 2020, toàn ngành đã kiểm tra theo thẩm quyền 9.804 VBQPPL; qua kiểm tra, bước đầu phát hiện 234 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền (chiếm tỉ lệ 2,38% trên tổng số văn bản được kiểm tra, giảm 0,4% so với năm cuối của nhiệm kỳ trước). Theo đó chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết cơ bản được bảo đảm, được thông qua với tỷ lệ cao (hầu hết các luật đều được thông qua với tỷ lệ trên 90%).
Riêng trong năm 2020, Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội thông qua 17 luật và cho ý kiến đối với nhiều dự án luật khác, đưa tổng số văn bản đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trong nhiệm kỳ này là 112 văn bản (gồm 71 luật, 2 pháp lệnh, 22 nghị quyết của Quốc hội và 17 nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội).
Bên cạnh đó, các Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng đã rà soát gần 9.000 văn bản với trọng tậm là 10 chuyên đề, lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp đến các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh… Kết quả rà soát đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 10 và nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu Quốc hội; sự quan tâm, hưởng ứng của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Nâng cao chất lượng rà soát, kiểm tra
Mặc dù vậy, theo Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, chất lượng của một số VBQPPL chưa cao; tính dự báo, khả thi và ổn định của hệ thống pháp luật còn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đáng chú ý việc nghiên cứu, đề xuất chính sách đối với một số dự án chưa có khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng, gây nên ý kiến trái chiều của dư luận và các đại biểu Quốc hội. Vẫn còn tình trạng các dự án, dự thảo văn bản sau khi đã đưa vào chương trình nhưng phải xin lùi, rút điều chỉnh.
Tình trạng “nợ đọng” văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh tại các bộ, ngành đã kéo dài nhiều năm, nhưng chưa được khắc phục hiệu quả và có xu hướng tăng trở lại trong vài năm gần đây. Bên cạnh đó, việc phát hiện và xử lý văn bản trái pháp luật hoặc không còn phù hợp thực tiễn vẫn chưa kịp thời. Còn khá nhiều văn bản có quy định trái pháp luật đã được phát hiện, kết luận nhưng chậm được xử lý. Trong khi đó việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản trái pháp luật nhìn chung chưa được thực hiện một cách thỏa đáng, chỉ mới ở mức độ rút kinh nghiệm, phê bình…
Từ thực trạng trên, Bộ Tư pháp cho biết, trong năm 2021 tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL, kịp thời phát hiện, xử lý quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát VBQPPL theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 12/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ; tập trung theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan kịp thời xử lý kết quả rà soát VBQPPL thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước đã được thực hiện trong năm 2020.