Ngày 23/5, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.
Nâng cao hiệu lực công tác quản lý
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra: chi NSNN năm 2022 ước đạt 2,16 triệu tỷ đồng, tăng 352,3 nghìn tỷ đồng (+19,4%) so dự toán. Đã sử dụng 15,84 nghìn tỷ đồng dự phòng ngân sách Trung ương để bổ sung kinh phí cho các bộ, cơ quan trung ương (8,43 nghìn tỷ đồng) và hỗ trợ cho các địa phương (7,41 nghìn tỷ đồng) để xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Đã bổ sung 4.361 tỷ đồng cho 32 địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng (trong đó tiết kiệm chi thường xuyên được khoảng 716,9 tỷ đồng).
Về quản lý nợ công, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược nợ công đến năm 2030 và chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý nợ công. Đến năm 2022, ước quy mô nợ công của Việt Nam khoảng 3,6 triệu tỷ đồng, tương đương 38% GDP (giảm so với mức 43,1% GDP năm 2021); cơ cấu nợ công, nợ Chính phủ tiếp tục được cải thiện theo kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và định hướng Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã đề ra.
Bên cạnh đó, cải cách thể chế về đầu tư công tiếp tục được quan tâm, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh để nâng cao hiệu lực công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Đến 31/1/2023 đã thanh toán vốn kế hoạch năm 2022 là 529,4 nghìn tỷ đồng, đạt 77,43% kế hoạch và đạt 91,28% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; có 11/51 Bộ và 11/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 90% kế hoạch. Năm 2022, có 55.214 dự án đã được phê duyệt quyết toán; qua thẩm tra, phê duyệt quyết toán đã loại ra khỏi giá trị chủ đầu tư đề nghị quyết toán là 9,3 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN của một số dự án chưa sát với khả năng thực hiện; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp so với kế hoạch được giao, đặc biệt là nguồn vốn Quốc hội bổ sung cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo thẩm quyền đối với 30.708 cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Quy hoạch sử dụng đất của địa phương chậm được công bố, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhà, đất và thực hiện di dời.
Còn nhiều lãng phí trong đầu tư xây dựng
Thẩm tra vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, năm 2022 là năm đầu thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Chính phủ đã có báo cáo tình hình triển khai. Tuy nhiên, báo cáo chưa làm rõ những kết quả, chuyển biến so với thời điểm Quốc hội chưa ban hành Nghị quyết, nhất là việc thu hồi đất đã giao nhưng chưa đưa vào sử dụng, sử dụng sai mục đích; việc khắc phục các bất cập trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên tái chế, năng lượng tái tạo; quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên số, băng tần số vô tuyến điện, kho số viễn thông, cơ sở dữ liệu.
Theo đánh giá của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, tình trạng bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được khắc phục, diễn ra nhiều năm cho thấy người đứng đầu các cơ quan, tổ chức chưa coi trọng, chưa chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về việc xây dựng, triển khai Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong bộ, ngành, địa phương, đơn vị, làm ảnh hưởng đến việc triển khai và kết quả thực hiện Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ.
Đáng chú ý, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của một số bộ, ngành, địa phương chưa đạt mục tiêu. 31/51 bộ và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 75% kế hoạch; tỷ lệ giải ngân dự án có vốn nước ngoài chỉ đạt 42,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Còn nhiều lãng phí do việc công bố chỉ số giá xây dựng tại các địa phương chậm, chưa sát với thị trường, là nguyên nhân dẫn đến các chủ đầu tư, nhà thầu không chủ động được trong quá trình triển khai dự án, công trình. Nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhưng không thể triển khai do vướng mắc về quy hoạch, địa điểm, đất đai, giải phóng mặt bằng; điều chỉnh đơn giá, dự toán dẫn đến làm thay đổi hoặc phải điều chỉnh lại dự án.
Ngày 23/5, Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Nhiều đại biểu băn khoăn khi kỷ cương lập pháp chưa nghiêm. Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh), cử tri phản ánh công tác rà soát luật có nơi vẫn còn có tình trạng hình thức, chưa bảo đảm chất lượng, một số báo cáo rà soát luật chưa rõ định hướng sửa đổi, chưa xác định cụ thể tiến độ xây dựng luật. Còn ĐB Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) kiến nghị để việc xây dựng luật, pháp lệnh được đồng bộ, pháp luật nhanh chóng đi vào đời sống, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành hình thành rõ ràng những cơ chế, chính sách ngay trong các đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh; từ đó việc giám sát được tốt hơn. Trong khi đó, một số ĐB nhấn mạnh, cần xác định trách nhiệm của những người khởi xướng chính sách, đề xuất xây dựng pháp luật, nếu như đạo luật đó sau này gây bất lợi cho nước, cho dân thì phải truy cứu trách nhiệm.
Nhất trí việc rà soát, bố trí vốn đối với các dự án đã đủ thủ tục đầu tư
Chiều cùng ngày, trình bày Báo cáo thẩm tra về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nhận thấy, việc Chính phủ rà soát, hoàn thiện Tờ trình về phương án phân bổ vốn Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và chương trình mục tiêu quốc gia để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV là cần thiết, theo đúng kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đúng thẩm quyền của Quốc hội.
Về giao danh mục, mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (đợt 3), Chính phủ kiến nghị trình Quốc hội xem xét, quyết định phân bổ, giao danh mục sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với tổng số là 13.369,468 tỷ đồng đối với 45 dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn.
Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí việc rà soát, bố trí vốn đối với các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, bảo đảm nguyên tắc theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Đồng thời kiến nghị Chính phủ rà soát, hoàn thiện danh mục nhiệm vụ, dự án được phân bổ vốn, bảo đảm đúng thời hạn thực hiện và giải ngân vốn của Chương trình theo quy định của Nghị quyết số 43.