Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ nông sản của bàn con nông dân gặp không ít khó khăn, nhất là ở các địa phương đang thưc hiện giãn cách xã hội đúng vào thời điểm thu hoạch các mặt hàng nông sản. Để khắc phục tình trạng này cần đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh phân phối hiện đại.
Nông dân điêu đứng vì nông sản tiêu thụ chậm
Tính đến cuối tháng 8, trên địa bàn Kiên Giang rất ít thương lái đến thu mua nông sản, dẫn đến nhiều sản phẩm giá giảm mạnh, nhất là thủy sản nuôi.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, ước sản lượng thu hoạch nông sản toàn tỉnh gần 100.000 tấn cần kết nối tiêu thụ, giải quyết đầu ra cho nông dân. Trong đó, khoảng 84.000 tấn lúa; 1.000 tấn rau, củ, quả, chuối, khoai lang, lợn, gà, vịt; gần 14.000 tấn thủy sản như: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cá mú, cá bớp, cua biển…
Không riêng gì Kiên Giang, tại nhiều địa phương của tỉnh Long An cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, việc tiêu thụ lúa gặp rất nhiều khó khăn do dựa vào thương lái. Vì dịch Covid-19 nên nhiều thương lái ngại di chuyển, số lượng thương lái đến địa phương thu mua lúa rất ít.
Việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg ở các địa phương khiến việc đi lại thu mua nông sản ở các địa bàn liên huyện, liên xã gặp nhiều khó khăn và hoạt động vận chuyển nông sản cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sấy lúa ngừng hoặc giảm công suất hoạt động cũng ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ.
Từ đó, dẫn đến tình trạng nông dân không bán được lúa dù đã đến kỳ thu hoạch. Một số nơi có thương lái thu mua thì xảy ra tình trạng ép giá, thu mua với giá thấp hơn thị trường khiến nông dân thua lỗ. Mặt khác, hoạt động thu hoạch lúa của nông dân không tham gia hợp tác xã cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu máy móc và nhân công.
Theo ông Nguyễn Thanh Nam, Trường phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Hóa (Long An), huyện đã thu hoạch được trên 6.000 ha lúa vụ Hè Thu. Trong thời điểm hiện nay, những hộ nông dân không tham gia hợp tác xã gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ. Còn nếu tham gia vào hợp tác xã, có chuỗi liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp thì việc tiêu thụ lúa dễ dàng hơn, giá cả cũng ổn định.
Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết, tỉnh có 17 hợp tác xã thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp trong vụ Hè Thu 2021 với diện tích gần 5.700 ha. Phần lớn trong số đó được doanh nghiệp cam kết bao tiêu sản phẩm với mức giá ổn định. Cùng với đó, các hoạt động liên kết sản xuất trong hợp tác xã cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, giúp giảm giá thành và nâng cao năng suất.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ lúa Hè Thu 2021 ở các tỉnh phía Nam đã thu hoạch được 702.000 ha, thấp hơn cùng kỳ năm trước gần 123,3 nghìn ha. Năng suất vụ đạt 57,86 tạ/ha, thấp hơn cùng kỳ năm trước 0,97 tạ/ha. Sản lượng khoảng 4.059 nghìn tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước 793 nghìn tấn.
Trước tình hình dịch Covid-19 đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng cần điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch tại từng địa phương để đảm bảo vừa chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo cung ứng tốt lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu. Mặt khác chú trọng phát triển các ngành chế biến nông sản thực phẩm để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.
Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
Đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối hiện đại như thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xuất khẩu được ngành công thương đưa ra cũng là giải pháp trong tương lai.
Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, đại đa số người tiêu dùng đã thay đổi phương thức mua sắm của mình, chuyển từ hình thức truyền thống sang mua hàng online.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2020 có tới 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến, quy mô thị trường thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp với khách hàng) đạt 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
“Rõ ràng chúng ta đang trong quá trình xây dựng nền kinh tế số, việc mua bán trực tuyến là xu thế tất yếu, đặc biệt trên những sàn thương mại điện tử có uy tín”, Ông Nguyễn Lâm Thành cho hay.
Đồng quan điểm này, ông Trần Văn Lâm, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, cho rằng nông sản là mặt hàng thiết yếu của đời sống hàng ngày, do vậy nhu cầu của người tiêu dùng là rất lớn. Dịch bệnh Covid-19 có tính chất phức tạp, dễ lây lan và lây lan nhanh nên phần lớn người tiêu dùng đã chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, tránh việc phải đến nơi tập trung đông người để mua hàng hoá. Chính vì vậy, các cá nhân, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh bán hàng trực tuyến trong thời gian này.
Mặt khác, người tiêu dùng cũng chú trọng hơn tới phương thức thanh toán trực tuyến khi mua hàng online để hạn chế lây lan qua việc tiếp xúc gần hay qua tiền mặt, qua đó đảm bảo an toàn cho cả người mua và người giao hàng (shipper).
Nông sản là loại hàng hóa có đặc trưng thời vụ, thời gian thu hoạch và sử dụng ngắn. Do đó, việc ứng dụng công nghệ số để vận chuyển, phân phối nông sản lên sàn thương mại điện tử sẽ giúp sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh hơn, đảm bảo chất lượng tươi, ngon, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người nông dân.
Đây cũng là một trong những giải pháp hiệu quả, giúp bà con nông dân, hộ sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã… quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ở khắp 63 tỉnh, thành phố trong nước và vươn ra xuất khẩu.
Minh chứng rõ nét nhất cho vấn đề này là vụ vải thiều vừa qua tỉnh Bắc Giang đã rất thành công trong việc đưa trái vải lên các sàn thường mại điện tử. Nhờ đó đã góp phần vào thành công chung của địa phương khi tiêu thụ 215.000 tấn vải thiều, tăng 50.000 tấn so với kế hoạch. Việt Nam được đánh giá là 1 trong 20 nước có tỉ lệ sử dụng Internet nhiều nhất thế giới với 68,17 triệu người dùng (chiếm 70% dân số). Như vậy, với thị trường tiềm năng này là những điều kiện không chỉ đủ mà còn rất tốt để phát triển các hoạt động mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tiêu dùng online....
Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội lưu ý rằng cần phải đảm bảo hàng hoá đạt chất lượng thì sẽ là kênh thu hút được người tiêu dùng. “Để phát huy những thế mạnh của sàn thương mại điện tử, người sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm nông sản cần phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, lấy được niềm tin của người tiêu dùng không chỉ trong thời gian dịch bệnh mà ngay cả sau khi kiểm soát được dịch bệnh.
Đặc biệt, chú trọng đến các giải pháp an toàn phòng chống dịch, nhất là đối với những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Hàng hoá và con người phương tiện vận chuyển phải có biện pháp để đảm bảo an toàn, tránh lây lan nguồn bệnh”, ông Hoàng Văn Cường lưu ý.
Tại Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên năm 2021 mới đây, Bộ trưởng Bộ CôngThương Nguyễn Hồng Diên nhận định rằng, thị trường tiêu thụ trong nước với 100 triệu dân là rất quan trọng, cần được ưu tiên. Đây là thị trường rất tiềm năng, do đó cần có giải pháp tạo được thói quen tiêu dùng hàng Việt của người Việt, tiến tới giảm nhập khẩu các mặt hàng trong nước đang có lợi thế. Đặc biệt, trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, bên cạnh phát triển các kênh phân phối truyền thống, cần chú trọng đến giải pháp đưa nông sản vào các kênh phân phối hiện đại trên nền tảng thương mại điện tử. Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm quảng bá, giới thiệu và kết nối xuất khẩu các mặt hàng nông sản tiêu biểu của Việt Nam ra thị trường ngoài nước.