Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bảo hiểm xã hội Đồng Nai đặc biệt quan tâm. Theo đó, BHXH tỉnh đã có nhiều giải pháp khuyến cáo, cảnh báo những rủi ro khi người lao động (NLĐ) nhận trợ cấp BHXH một lần. Đồng thời, truyền thông khuyến khích NLĐ không lựa chọn nhận BHXH một lần, vận động NLĐ nghỉ việc tiếp tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN khi quay trở lại thị trường lao động.
Ảnh hưởng của dịch Covid, cuộc sống gia đình nhà chị N.T.T, sinh năm 1968, ngụ tại xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai gặp nhiều khó khăn và trong lúc khó khăn chị có ý định rút BHXH 1 lần với mong muốn có chút tiền trang trải cuộc sống trước mắt. Tuy nhiên được cán bộ BHXH huyện tư vấn chị T đã quyết định không rút BHXH 1 lần. “Làm công nhân bao năm, thu nhập thấp và bấp bênh nhưng đổi lại được đóng BHXH và có BHYT vì thế tôi có thêm động lực để gắn bó với nghề. Tuy nhiên vừa qua nhà cũng có việc nên tôi có ý định rút BHXH 1 lần song thật may được cán bộ BHXH tư vấn tôi đã hiểu được những thiệt hơn khi rút BHXH 1 lần. Rút BHXH 1 lần rồi có được một khoản tiền giải quyết trước mắt nhưng về già sẽ là nỗi lo lớn cho bản thân và gánh nặng cho con cái khi không có lương hưu”; chị T chia sẻ.
Không may mắn như chị T, bà V.T. N, ngụ tại phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, là công nhân công ty Pouchen, đủ 55 tuổi và nghỉ việc (năm 2020), nhưng còn thiếu thời gian tham gia BHXH vẫn quyết định rút BHXH 1 lần. “Một trong những quyết định mà tôi rất đáng tiếc là đã nhận trợ cấp BHXH một lần để gửi tiết kiệm với tổng số tiền là 78 triệu đồng. Để đến bây giờ, mỗi ngày sức khỏe một yếu đi tôi vẫn phải vất vả mưu sinh với gánh hàng rau nơi cổng chợ nhỏ gần nhà với thu nhập không đáng kể. Đôi khi tôi vẫn tự trách mình là mặc dù đã được cán bộ BHXH tư vấn nên đóng tiếp BHXH tự nguyện cho thời gian còn thiếu để nhận lương hưu nhưng lại suy nghĩ chưa thấu đáo và có quyết định sai khi nhận trợ cấp BHXH một lần”, bà N ngậm ngùi chia sẻ.
Theo ông Phạm Minh Thành, Giám đốc BHXH Đồng Nai, nếu nhận BHXH một lần, khi tham gia lại sẽ không được cộng nối thời gian đóng BHXH, mà tính thành thời gian đóng mới. Như vậy, NLĐ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có thu nhập để đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động.
Thứ hai, trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu, NLĐ được cấp thẻ BHYT miễn phí và được hưởng các quyền lợi về KCB BHYT. Khi người hưởng lương hưu không may qua đời thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu chết và thân nhân được hưởng trợ cấp tử tuất hàng tháng hoặc một lần.
Thứ ba, khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là của để dành quý giá cho chính mình, nó không mất đi mà ngược lại được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng, người tham gia có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện.
Thứ tư, việc nhận BHXH một lần NLĐ sẽ mất khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng sau năm 2014.
Thứ năm, người tham gia BHXH, khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế.
Trước thực trạng số lao động nhận BHXH 1 lần gia tăng, BHXH Đồng Nai đã đẩy mạnh tăng cường truyền thông khuyến khích NLĐ không lựa chọn nhận BHXH một lần, vận động NLĐ nghỉ việc tiếp tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN khi quay trở lại thị trường lao động.
Sau những nỗ lực cố gắng tuyên truyền về việc nhận BHXH một lần “lợi trước mắt, thiệt thòi lâu dài”, nhiều NLĐ đã có sự cân nhắc, bỏ ý định nộp hồ sơ để bảo lưu thời gian đóng, chờ có công việc làm lại tiếp tục tham gia BHXH hoặc có thu nhập ổn định sẽ tham gia BHXH tự nguyện để chờ ngày có lương hưu. Theo thống kê của BHXH Đồng Nai, từ tháng 4/2022 đến hết tháng 9/2022, số người nhận BHXH một lần liên tục giảm, riêng tháng 9/2022, giảm trên 44% số người và trên 46% về số tiền so với tháng 8/2022.