Hiện, giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều nơi vẫn rất chậm. Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đã trao đổi với PV báo ĐĐK về vấn đề này.
PV:Một số bộ, ngành và địa phương xin trả lại vốn đầu tư công trong đó có vốn vay nước ngoài. Đơn cử như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin trả 1.808 tỷ đồng có gì lạ hay bất thường do Bộ không có khả năng giải ngân được số vốn vay này, thưa ông?
Ông Hoàng Hải: Năm 2020 là năm đầu thực hiện Luật Đầu tư công 2019, theo đó Chính phủ giao vốn cho các Bộ, ngành, địa phương khá sớm, đồng thời Chính phủ giao quyền tự chủ cho các bộ, ngành, địa phương phân bổ chi tiết cho từng dự án.
Ngoài Bộ NNPTNT, hiện Bộ Tài chính cũng đã ghi nhận một số đề xuất hủy, cắt giảm vốn như: Bộ Tài Nguyên và Môi trường đề nghị điều chuyển 330,5 tỷ đồng /619,8 tỷ đồng dự toán vốn nước ngoài để chuyển cho các Bộ, địa phương khác; Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đề nghị hủy số tiền 300 tỷ đồng /400 tỷ đồng dự kiến bố trí cho Dự án Đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội do Dự án giải ngân quá chậm; Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đề nghị giảm 50 tỷ đồng vốn nước ngoài đã giao cho Dự án Phát triển hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc để bổ sung cho các dự án khác cần vốn.
Lý do đề xuất trả lại vốn của các bộ, ngành, địa phương có thể kể đến như việc xây dựng kế hoạch vốn chưa sát với nhu cầu thực tiễn, với khả năng hấp thu vốn của từng dự án theo tiến độ dự án; thời gian xây dựng và phê duyệt dự án quá dài, đến khi bắt đầu thực hiện thì có một số hạng mục không còn phù hợp; vốn đối ứng được bố trí vừa chậm, vừa thiếu, không phù hợp với kế hoạch vốn nước ngoài; sự không phù hợp giữa kế hoạch vốn trung hạn và hiệp định vay đã ký, giữa kế hoạch hàng năm với tiến độ thực hiện của các dự án; đến cuối năm 2019, nhiều dự án mới được giao kế hoạch trung hạn 2016-2020 nên một số hạng mục phải chuyển sang giai đoạn 2021-2025 để thực hiện…
Thưa ông, vậy với phần vốn xin trả lại này và những phần vốn chậm giải ngân khác thì có điều chuyển sang những nơi khác không?
-Theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, trường hợp bộ, cơ quan Trung ương và địa phương không phân bổ hết số vốn kế hoạch được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định thu hồi, điều chuyển cho bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác có nhu cầu trước 30 tháng 6 của năm kế hoạch.
Ông có thể cho biết các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn ODA trong thời gian tới?
-Nhằm góp phần tạo động lực cho thúc đẩy sự phục hồi, phát triển của nền kinh tế hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ và địa phương cần coi việc hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 là nhiệm vụ chính trị quan trọng của từng Bộ và từng địa phương, là tiêu chí kiểm tra, giám sát và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Theo đó, trước ngày 31/7/2020, các bộ, ngành, địa phương cần có cam kết rõ ràng và cụ thể về chỉ tiêu hoàn thành giải ngân nguồn vốn đầu tư công và nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi với các biện pháp quyết liệt và cụ thể. Đồng thời, vào các ngày 15 và 30 hàng tháng, các Bộ, địa phương đều phải có rà soát, đối chiếu số liệu giải ngân với Bộ Tài chính nhằm công khai số liệu giải ngân trên trang điện tử của Chính phủ và Bộ Tài chính để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai cam kết cụ thể của từng Bộ và từng địa phương.
Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm đánh giá khả năng giải ngân vốn từ nay đến cuối năm, trường hợp không thể giải ngân hết số vốn được phân bổ đề nghị khẩn trương báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Chính phủ điều chỉnh giảm dự toán để điều chuyển (ghi tăng) dự toán các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu bổ sung vốn (thực hiện trước ngày 31/8/2020). Đồng thời, chủ động điều chỉnh dự toán phân bổ cho các dự án trong phạm vi nguồn vốn của Bộ ngành, địa phương đã được Chính phủ phân bổ để đảm bảo đủ vốn cho các dự án có nhu cầu theo tiến độ giải ngân.
Đối với số vốn nước ngoài đã phân bổ các năm trước còn lại, nếu có khả năng giải ngân, trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương xem xét khả năng phân bổ lại trong phạm vi kế hoạch đầu tư công của cả giai đoạn 2016-2020; tổng hợp kế hoạch đầu tư công còn thiếu để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, cân đối chung, song không vượt quá kế hoạch được Quốc hội giao.
Các bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án phải có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng đề triển khai thực hiện dự án.
Đối với chương trình, dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, các bộ, ngành, địa phương báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh đầu tư, trên cơ sở phê duyệt, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư, các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Tài chính để điều chỉnh thời hạn giải ngân, điều chỉnh phân bổ vốn theo các hiệp định đã ký (nếu có).
Bộ Tài chính đã phối hợp với ban quản lý dự án, nhà tài trợ trong việc giải ngân, rút vốn; phối hợp với cơ quan chủ quản, nhà tài trợ giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc giải ngân; phối hợp với Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoàn thiện thủ tục giải ngân, nhận nợ.
Các ban quản lý dự án thực hiện ghi thu ghi chi kịp thời, không để dồn chứng từ vào cuối năm; Kho bạc Nhà nước đôn đốc các ban quản lý dự án thực hiện ghi thu ghi chi, tổng hợp kết quả ghi thu ghi chi báo cáo cấp có thẩm quyền định kỳ 15 ngày/1 lần để có chỉ đạo cần thiết.
Đối với các chương trình/ dự án thực hiện cơ chế hỗn hợp vừa cấp phát vừa cho vay lại, các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính trong việc ký hợp đồng cho vay lại trong đó các địa phương ký hợp đồng cho vay lại với Bộ Tài chính, các đơn vị sự nghiệp công lập ký hợp đồng cho vay lại với các cơ quan cho vay lại được Bộ Tài chính ủy quyền.
Trân trọng cảm ơn ông!