Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Bộ GTVT đang quyết liệt từng ngày tìm những giải pháp tháo gỡ cụ thể, thiết thực. Khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng sẽ được đẩy nhanh hơn, phấn đấu hoàn thành trong năm 2020.
Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Thời gian qua, khi những vấn đề BOT gây nhiều tranh cãi trong dư luận thì hoạt động thu phí tự động không dừng (ETC) được đánh giá có nhiều ưu điểm như: Tăng tốc độ lưu thông, tạo thuận lợi cho người dân, công khai, minh bạch trong quản lý doanh thu tại các trạm thu phí. Tuy nhiên sau 5 năm, hiện Dự án vẫn chưa thể hoàn thành và nhiều lần lùi tiến độ. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT có phương án tổng thể triển khai Dự án với mục tiêu cơ bản hoàn thành trong năm 2020.
Nhìn một cách tổng quát, Dự án thu phí tự động không dừng gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 của dự án được triển khai tại 26 trạm thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên do Công ty TNHH thu phí tự động VETC thực hiện từ năm 2015. Sau đó, dự án được bổ sung thêm 18 trạm nâng tổng số lên 44 trạm. Giai đoạn 2 gồm 33 trạm do Tập đoàn Viettel thực hiện. Đến nay, dự án giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành, đã lắp đặt, vận hành 40/44 trạm. Nhằm đạt được mục tiêu này, Bộ GTVT vừa đề xuất các giải pháp nằm gỡ khó để hoàn thành tiến độ dự án.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Bộ GTVT đang quyết liệt từng ngày tìm những giải pháp tháo gỡ cụ thể, thiết thực. Khi Thủ tướng ký ban hành, tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng sẽ được đẩy nhanh hơn, phấn đấu hoàn thành trong năm 2020. Đối với dự án giai đoạn 2, Bộ GTVT đã yêu cầu Viettel đến ngày 30/5 phải thành lập được doanh nghiệp dự án để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo, trong thời gian chờ những việc song hành như ký hợp đồng với nhà đầu tư BOT, mua sắm thiết bị Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải đôn đốc và chịu trách nhiệm về tiến độ này.
Đáng chú ý, về việc thực hiện thu phí tự động không dừng các dự án của Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT sẽ làm việc với VEC nghe về phương án đầu tư 4 tuyến còn lại, hình thức, nguồn vốn đầu tư để Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng.
Theo tính toán, tại Việt Nam, việc triển khai ETC đồng bộ trên phạm vi cả nước không chỉ giúp xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về giao thông, đồng bộ hoá các dịch vụ quản lý đô thị và giao thông thông minh, tránh thất thoát trong thu phí BOT, mà còn tiết kiệm thời gian, nhiên liệu, giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn và đặc biệt giảm thanh toán bằng tiền mặt. Tổng lợi ích kinh tế xã hội mà hệ thống thu phí tự động ETC mang lại dự kiến lên tới 3.400 tỉ đồng/năm. Chủ phương tiện hiện được dán thẻ E-tag miễn phí và có thể nạp tiền vào tài khoản ETC dễ dàng tại các quầy giao dịch của các ngân hàng, các điểm dịch vụ của VETC, trạm thu phí, trung tâm đăng kiểm, các kênh nạp tiền online qua các app ngân hàng, ví điện tử Momo, Vimo, Zalopay…
Ở góc nhìn chuyên gia, TS Từ Sỹ Sùa- giảng viên Trường Đại học GTVT nhìn nhận, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan quản lý, thành bại của dự án còn phụ thuộc rất nhiều vào các chủ xe ô tô - những người, về lý thuyết, được hưởng lợi nhiều nhất. Thực tế cho thấy công tác tuyên truyền đã được làm thường xuyên nhưng đến nay số lượng chủ phương tiện dán thẻ và nộp tiền vào tài khoản giao thông rất thấp cho thấy họ chưa thấy được cái lợi của thu phí không dừng.
Theo TS Sùa, sự vào cuộc của Bộ GTVT là chưa đủ để thay đổi tình hình, đặc biệt khi tình trạng sử dụng tiền mặt trong các hoạt động giao dịch kinh tế tại Việt Nam còn rất phổ biến. Triển khai thu phí tự động không dừng là giải pháp tối ưu đã minh bạch hóa thu phí hoàn vốn BOT. Nhưng một khi các biện pháp này không nhận được sự chung tay hưởng ứng của các chủ xe, các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục đơn độc thì khó đạt được mục tiêu này.
Và vấn đề quan trọng vẫn là làm sao để các chủ thể liên quan thấy được lợi ích của hệ thống thu phí tự động không dừng.