Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã cho rằng, để đẩy nhanh việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% cần có chỉ định từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần phải chỉ thị cho các ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện.
PV: Thưa ông, làm sao để đẩy nhanh việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%. Nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết ngại tiếp cận trong khi ngân hàng cũng có những khó khăn khi triển khai?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Ý kiến của tôi là NHNN phải chỉ đạo cho các NHTM thực hiện gói này. Nếu để ngân hàng tự nguyện thì họ không mặn mà trong gói này đâu. Thứ nhất gói hỗ trợ lãi suất 2% có lợi cho DN nhưng là những DN yếu gặp khó khăn do ảnh hưởng Covid -19, là DN đầy rủi ro cho ngân hàng nên ngân hàng dại gì cho vay các anh DN đầy rủi ro mà lợi nhuận gần như không. Trong khi đó NHNN cũng lại soi từng ngân hàng một, xem các ngân hàng cho vay với lãi suất như thế nào. Dù được Chính phủ hỗ trợ 2% lãi suất, nhưng cũng sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng phải chịu rất nhiều trách nhiệm trong việc triển khai gói hỗ trợ này.
Thành ra chúng ta phải đổi nước cờ, không chờ các NHTM tình nguyện làm việc này mà phải có chỉ đạo của Chính phủ buộc các ngân hàng phải thực hiện. NHNN phân phối hạn mức 40.000 tỷ cho các ngân hàng, tuỳ theo từng quy mô và yêu cầu các ngân hàng từ nay đến cuối năm phải làm bao nhiêu % cho cái gói hỗ trợ lãi suất 2% này.
Gói hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP đã triển khai được 3 tháng, nhưng kết quả đạt được đến nay vẫn rất hạn chế. Theo ông, từ giờ đến cuối năm, khả năng giải ngân sẽ như thế nào?
-Với tiến độ như như hiện nay thì tôi tính rằng chúng ta chỉ giải ngân được 10% trong khi mong ước là giải ngân 50%. Như vậy khoảng cách từ 10% trong thực tế tới 50% trong mong ước cần phải có chỉ đạo.
Hiện nay các ngân hàng rất khát “room” tín dụng. Mới đây NHNN cũng đã thông báo cho các ngân hàng về “room” tín dụng, nhưng theo tôi được biết có nhiều ngân hàng còn chưa được hưởng. Trong khi đó gói 40.000 tỷ hỗ trợ lãi suất 2% này các ngân hàng cần phải tham gia. Theo tôi vì “room” tín dụng còn quá ít.
Gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế lại đè nặng lên vai ngành ngân hàng. Theo ông, giải pháp nào để cân đối các nguồn vốn này cho nền kinh tế?
-Về lâu dài, trái phiếu DN vẫn là kênh huy động vốn quan trọng cho các DN. Tuy nhiên, hiện nền tảng cơ sở pháp lý cho trái phiếu DN còn nhiều bất ổn và cần hoàn thiện hơn. Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP đã bổ sung nhiều quy định khá hợp lý như nhà phát hành phải công bố rõ các thông tin về mục đích phát hành, nguồn trả nợ… để người mua trái phiếu có thể kiểm soát được dòng vốn của mình. Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định các điều kiện ràng buộc cho DN phát hành như mức tối thiểu của vốn chủ sở hữu, không bị sáp nhập, thâu tóm, phải được xếp hạng tín nhiệm…
Theo tôi, việc siết lại thị trường trái phiếu DN là cần thiết để tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Dưới tác động này, thị trường sẽ chỉ chững lại trong ngắn hạn, khi các quy định pháp lý đã được hoàn thiện, thị trường trái phiếu DN sẽ nhanh chóng sôi động trở lại. Khi đó, gánh nặng cung ứng vốn của ngành ngân hàng sẽ được giảm bớt đáng kể.
Trân trọng cảm ơn ông!