Giáo dục

Dạy thêm không phải mục đích chính là 'thu tiền'

Nguyễn Hoài 28/11/2023 16:22

Dù dạy thêm được đưa vào danh mục ngành kinh doanh có điều kiện nhưng chuyên gia cho rằng, nếu không quản lý chặt chẽ thì vẫn có lý do để dạy thêm tiêu cực, biến tướng.

Lo ngại tiêu cực nếu không quản lý chặt chẽ

Vấn đề dạy thêm, học thêm tiếp tục lại nóng lên khi một số đại biểu Quốc hội đề cập, chất vấn Bộ trưởng Bộ GDĐT tại phiên họp Quốc hội ngày 20/11.

Trả lời ý kiến về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đã có rất nhiều văn bản quy định, đặc biệt Thông tư 17 quy định về kiểm soát việc dạy thêm, học thêm trong khuôn khổ của nhà trường.

W_img_7459.jpg
Một tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Ba Đình (quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh Nguyễn Hoài.

Tuy nhiên, đối với môi trường ngoài nhà trường, còn đang thiếu một cơ sở pháp lý để có thể quản lý, điều tiết, giám sát, xử lý.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết, Bộ đã từng gửi nhiều văn bản trong quá trình sửa Luật Đầu tư đề nghị bổ sung việc dạy thêm học thêm vào các ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng đến nay chưa được chấp thuận.

Bộ trưởng Bộ GDĐT nhận định, dạy thêm cần phải đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây chính là cơ sở pháp lý để quản lý việc học và dạy thêm ngoài trường học.

Đề xuất của Bộ GDĐT nhận được sự đồng tình của đông đảo đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, về phía các chuyên gia, có ý kiến lo ngại rằng việc đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện vẫn có thể bị biến tướng nếu không kiểm soát, quản lý chặt chẽ.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam phân tích các nguyên nhân dẫn đến dạy thêm, học thêm. Ngoài xuất phát từ phía giáo viên, phụ huynh thì gốc cũng từ phía chương trình, thi cử nặng nề.

Thế nên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, đây là cả một dây chuyền nên nếu muốn bàn tới giải pháp thì phải “sửa” hệ thống chứ không riêng một khâu nào. Dù đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà không quản lý chặt chẽ thì vẫn có lý do để dạy thêm tiêu cực như cách đang làm hiện nay là học thêm “tự nguyện”.

“Những điều kiện đề ra để dạy thêm là đúng, nhưng phải có những quy định rõ ràng, làm thế nào để nêu cao đạo đức trong dạy thêm, học thêm. Đạo đức ở đây là giáo viên hoàn thành tối đa việc dạy học trên lớp, sau đó dành thời gian bồi dưỡng cho học sinh yếu kém và nâng cao trình độ cho học sinh chứ không phải mục đích chính của dạy thêm là thu tiền”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm.

Một giáo viên sẽ đóng hai vai?

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, GS.TS Phạm Tất Dong – nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu quan điểm không đồng tình với đề xuất đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện và cho rằng đây không phải là giải pháp để dẹp vấn nạn dạy thêm, học thêm.

“Khi thể trở thành ngành kinh doanh có điều kiện thì một giáo viên được phép dạy thêm, mở lớp tư nếu đủ điều kiện đặt ra. Nhưng thử hình dung, người giáo viên đó sáng đứng lớp dạy chữ, chiều lại trở thành thương nhân đi bán chữ. Tức là một ngày đóng 2 vai. Như vậy, tôi cho rằng bất ổn”, GS.TS Phạm Tất Dong nói.

Trong khi đó, hiện nay đang tồn tại thực tế, thầy cô dạy học trên lớp nửa chừng, còn lại sẽ dạy tiếp ở lớp học thêm. Có hiện tượng giáo viên dạy trước học sinh nội dung bài kiểm tra ở lớp học thêm, học sinh nào không đi học thêm thì không làm được bài.

GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng: “Hiện nay, việc quản lý dạy thêm, học thêm ở các nhà trường còn rất lỏng lẻo thì làm sao đưa hoạt động này tung ra thị trường được? Khi đưa vào luật rất cần nghiên cứu kỹ: cách làm từ các nước, tính pháp lý và tính thực tiễn chứ không phải thích là làm được”.

Cũng theo chuyên gia, hiện hầu hết các nước trên thế giới không chấp nhận việc kinh doanh giáo dục và vệc cắt xén chương trình để dạy thêm “chui” bị phạt rất nặng. Họ công nhận giáo dục là dịch vụ, từ đó phổ cập và mọi người dân được hưởng dịch vụ giáo dục đó để cá nhân hóa việc học tập của mỗi người.

Còn ở nước ta, “tại sao lại để giáo viên nghèo?”, GS Dong đặt câu hỏi và bày tỏ quan điểm: “Nhà nước cần quan tâm hơn tới chế độ, chính sách, tăng lương cho đội ngũ giáo viên để họ đủ sống.

Việc dạy thêm nên chỉ tổ chức trong khuôn viên nhà trường với mục đích bồi dưỡng kiến thức cho học sinh và được hỗ trợ kinh phí. Khi đủ ăn, giáo viên mới không nghĩ tới nghề tay trái hay dạy thêm như hiện nay”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dạy thêm không phải mục đích chính là 'thu tiền'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO