Từ 16 đến 18/10, Hội thảo khoa học “Tiếng Anh trong trường mầm non, thực tiễn và giải pháp” diễn ra tại Trường CĐ Sư phạm Trung ương. Tại buổi khai mạc hội thảo, Thứ tưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định tầm quan trọng của tiếng Anh, nhưng cũng cho rằng đây là việc còn gây tranh cãi.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Theo TS Đặng Lộc Thọ - Hiệu trưởng Trường CĐSP Trung ương: Ngày nay tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ phổ biến và thông dụng nhất trên thế giới. Việc học tiếng Anh như thế nào cho thật hiệu quả không chỉ là câu hỏi lớn của mỗi người dân mà còn là vấn đề quan trọng của ngành giáo dục và đào tạo ở những quốc gia mà tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ hoặc là ngôn ngữ thứ hai.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ: Trước xu thế của hội nhập, toàn cầu hoá thì việc giao tiếp không chỉ bằng tiếng mẹ đẻ mà việc giao tiếp cần có ngoại ngữ giúp tăng khả năng cạnh tranh tích cực. Đặc biệt hiện nay tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ chung của nhiều quốc gia. Trên thế giới đã có gần 60 quốc gia sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính, bên cạnh tiếng mẹ đẻ, và gần 100 quốc gia sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai.
“Nhưng tiếng Anh trong nhà trường chúng ta bắt đầu học từ cấp học nào thì có hiệu quả, từ tiểu học hay là từ mầm non?” – bà Nghĩa đặt câu hỏi.
Theo bà, giáo dục mầm non (GDMN) là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, là cấp học rất quan trọng đặt nền móng phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thể chất của trẻ em. Nó ảnh hưởng to lớn đến chất lượng giáo dục của cấp học sau. Và các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi là giai đoạn vàng đối với sự phát triển trong cuộc đời mỗi con người.
Bà Nghĩa cho biết: Việc triển khai cho trẻ làm quen với tiếng Anh ở nước ta còn gặp phải nhiều khó khăn, đó là sự liên thông giữa làm quen tiếng Anh với học ngoại ngữ ở tiểu học, ở phổ thông là như thế nào? Xung quanh vấn đề này cũng có nhiều tranh luận. Và tôi nghĩ đối với việc làm quen tiếng Anh ở lứa tuổi mầm non đó là nhận thức của các cấp, ngành, lãnh đạo đối với vấn đề này. Có người nói rằng trẻ mầm non bước đầu chưa biết tiếng Việt thì phải học tiếng Việt thành thạo và chỉ có chơi không có học.
Bên cạnh đó là vấn đề đề án ngoại ngữ của chúng ta đến lớp 3 mới triển khai. Như vậy là hiện nay trong chương trình của chúng ta trong toàn quốc, tiếng Anh và ngoại ngữ khác thì chưa có nhận thức đồng nhất. Các nghiên cứu của chúng ta về việc làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non chưa được nhiều.
“Từ 2012 Bộ có giao cho Trung tâm GDMN thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu về làm quen với tiếng Anh nhưng do hạn hẹp ngân sách nên đối tượng, vùng khảo sát chưa điển hình. Tính liên thông giữa mầm non với phổ thông, đó là việc dạy ngoại ngữ ở phổ thông bắt đầu từ lớp 3 vì vậy có những người quan niệm việc cách quãng khoảng 3 năm, có dẫn đến lãng phí không? Đó là khó khăn khi chúng ta triển khai”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa bình luận.
Với đề án ngoại ngữ 2020, theo Thứ trưởng Nghĩa, GV chúng ta để đạt chuẩn theo khung trình độ châu Âu trước đây, bây giờ theo khung trình độ quốc gia 6 bậc cũng rất khó khăn. Khi đi khảo sát thực tế số lượng GV đạt chuẩn này ở GV phổ thông còn rất thấp, huống gì ở mầm non, lấy đâu dể thực hiện chương trình này... Chưa đạt được 1/3 số trường mầm non tiếp cận với ngoại ngữ.
Hiện nay nhiều trường đã áp dụng dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non.
Các trường đang dạy tự phát
Nhiều phụ huynh cho rằng, học tiếng Anh ở tuổi mầm non chưa cần thiết, ông Nguyễn Quốc Hùng - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, chuyên gia nghiên cứu, dạy tiếng Anh trên truyền hình chia sẻ, đó là điều hoàn toàn đúng, 3 tuổi là quá bé. Ngay cả chúng ta cũng cảm thấy là dạy cho các em bé quá thì chưa thể học được.
Tuy nhiên ông Hùng cũng cho rằng phụ huynh đưa ra vấn đề đó là do quan niệm. Quan niệm dạy như thế nào? Phụ huynh có ý kiến thế bởi vì hiện nay trong các trường dạy dùng giáo trình khó, chưa vào chuẩn. Nếu chỉ cho trẻ chơi thôi không kiểm tra đánh giá gì cả thì phụ huynh đồng ý ngay. Học mà nhẹ nhàng, vui chơi thôi thì sẽ rất dễ, tại vì trong đầu phụ huynh luôn nghĩ học là phải nói được tiếng Anh thì việc đó không thể làm được với trẻ con. Dạy phải theo cách chơi, biết được đến đâu thì tốt đến đó.
Hiện tại các trường thực ra đang tự phát, mà tự phát thì họ tự phát các kiểu, từ GV đến giáo trình nên mỗi trường mỗi kiểu. Việc này rõ ràng rất bất cập khiến cho việc học không chuẩn xác. Ông Hùng cho rằng, nếu nhà trường mà không xây dựng được một chuẩn thì không nên dạy, cần phải nắm vững được giáo trình, nghiên cứu đào tạo nghiêm túc, xây dựng giáo trình thích hợp và điều kiện có thì mới nên dạy. Và điều kiện quan trọng nhất là người thầy phải dạy rất tốt.
Ông Hùng phân tích: Tiếng Anh trong lứa tuổi mầm non hiện nay có một số vấn đề như sự tương tác của giáo viên chưa có nhiều. Ta cứ nghĩ là dạy hát, dạy đọc thơ, dạy kể chuyện bằng tiếng Anh là được, nhưng chúng ta phải dạy HS hát để học tiếng Anh chứ không phải chúng ta hát cho HS nghe, HS hát theo...
Về lý thuyết người ta đang nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam, trẻ cảm thụ ngôn ngữ y như cảm thụ ngôn ngữ tiếng mẹ để. Quan trọng nó phải học theo hoạt động của nó, chứ không phải làm theo vở kịch của người lớn nghĩ ra. Chúng ta cần có giáo trình không đè nặng không áp lực cho HS học, và thành công hay không vẫn là người thầy. Tiếng Anh của thầy cô không cần cao siêu lắm nhưng phải đủ số từ, đủ cho HS nắm bắt được.
Về vấn đề này, chuyên gia ThS Pauline Leonard - Trường ĐH Victoria, Austrailia chia sẻ: “Mỗi GV ở chúng tôi đều có khả năng thiết lập chương trình giảng dạy riêng của mình, chúng tôi khuyến khích tất cả trẻ nói tiếng Anh. Đối với chúng tôi việc tìm hiểu ngôn ngữ thứ nhất là việc cần làm, đúng hơn là phải làm để tạo sự thoải mái, hoà nhập tốt nhất cho các em. Chúng tôi không phủ nhận ngôn ngữ thứ nhất, tạo sự nhìn nhận thế giới xung quanh nhưng với ngôn ngữ thứ hai để cho trẻ giao tiếp, tiếp cận sớm cũng là việc chúng ta rất nên làm để hoà nhập”.
Bà có khuyến nghị rằng, để trẻ có thể học được cần có thời gian, dạy giáo điều hoàn toàn không dành cho trẻ. Trẻ cần học mà chơi thông qua tương tác trên lớp, nuôi dưỡng tình yêu hứng thú cho trẻ với ngôn ngữ mới. Đào tạo GVMN cũng cần được đào tạo không chỉ về tiếng Anh mà về cả cách để dạy trẻ mầm non...