T rước khi đi làm, chị Trần Liên Hương (ở khu đô thị Hồng Hà, Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) giao bài tập trên máy tính cho 2 con, 1 bé học lớp 2, 1 bé học lớp 4 ở nhà tự học mỗi ngày trong kỳ nghỉ hè.
“Tôi có thể theo dõi bài vở của con vào cuối ngày, vì các con học qua chương trình trực tuyến như Toán Vioedu, Trạng nguyên tiếng Việt, qua bài giảng trực tuyến của các thầy cô giáo. Kết quả, thời gian, thời điểm làm bài đều được hiển thị rõ ràng” - chị Hương nói.
Những đứa trẻ nhà chị Hương được tiếp xúc với mạng Internet từ nhỏ nên thành thạo sử dung máy tính và quen thuộc với các bài giảng, bài tập trực tuyến. Trẻ em thời đại kỹ thuật số lớn lên trong môi trường bao quanh bởi công nghệ và Internet. Chúng thành thạo công nghệ, quen thuộc với việc sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính ngay từ khi còn nhỏ, có khả năng học hỏi và sử dụng công nghệ mới nhanh chóng. Với nhóm trẻ này, Internet và các ứng dụng trực tuyến trở thành nguồn thông tin, giải trí và giao tiếp chính.
Tiếp xúc sớm với máy tính và công nghệ thông tin, trẻ em thời kỹ thuật số thường có tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề. Nhóm trẻ này có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn học tập và công cụ hỗ trợ sáng tạo trực tuyến. Việc học tập trực tuyến đã manh nha từ khi có mạng Internet, nhưng chỉ đến khi nổ ra đại dịch COVID-19, nhu cầu này gần như đã trở thành thiết yếu và khi đại dịch qua đi, nhu cầu ấy vẫn ở lại.
Một khảo sát của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam thực hiện tại các khu công nghiệp ở TPHCM mà đối tượng phỏng vấn là cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và cha mẹ học sinh đi đến kết luận các đối tượng đều có nhu cầu cao trong việc ứng dụng kỹ thuật số vào chăm sóc, giáo dục trẻ. Nhu cầu này thể hiện rõ nhất ở các cơ sở mầm non ngoài công lập, khi giáo viên và cha mẹ đều mong muốn tạo nên một môi trường kỹ thuật số an toàn, phát triển cho trẻ vì cha mẹ chủ yếu là công nhân ở độ tuổi còn trẻ, thường xuyên phải tăng ca, việc sử dụng các ứng dụng kỹ thuật số còn có những bất cập. Cha mẹ mong muốn “được ứng dụng để tìm kiếm thông tin, kiến thức nuôi dạy trẻ, quản lí thời gian tiếp xúc với công nghệ của trẻ”. Cán bộ quản lý cơ sở “mong muốn ứng dụng để xây dựng cộng đồng mầm non từ nhà trường đến chính quyền địa phương”. Đa số giáo viên tham gia khảo sát “mong muốn được ứng dụng kỹ thuật số trong tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ, trong liên hệ trao đổi với phụ huynh và đồng nghiệp”.
Ngay tại Trường Tiểu học Tứ Hiệp, nơi 2 con chị Hương theo học, rất nhiều tiết học, kỳ thi đã được ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và bước đầu chứng minh hiệu quả.
Mặc dù không thể phủ nhận những hiệu quả mà việc dạy và học qua môi trường kỹ thuật số mang lại, nhưng như đồng xu 2 mặt, con dao 2 lưỡi, việc này cũng tiềm ẩn những vấn đề và nguy cơ mà ngành giáo dục cần lưu tâm. Thứ nhất là trẻ dễ bị phân tâm bởi Internet và thiếu kỹ năng tư duy phản biện khi tiếp nhận thông tin.
Thứ hai là do quen với việc mọi thứ diễn ra nhanh chóng trên Internet, trẻ có thể thiếu kiên nhẫn trong học tập và các hoạt động khác. Ngoài ra, thường xuyên bị phân tâm bởi thông báo từ điện thoại và mạng xã hội, trẻ có thể gặp khó khăn trong việc tập trung vào một việc trong thời gian dài.
Hơn nữa, việc sử dụng thiết bị điện tử quá mức có thể dẫn đến tình trạng nghiện công nghệ ở trẻ, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Ngoài ra, xét ở khía cạnh xã hội, trẻ vùng sâu, vùng khó khăn có thể bị thiệt thòi khi không có nhiều điều kiện ứng dụng công nghệ số, làm gia tăng chênh lệch khoảng cách miền núi, miền xuôi.