ĐBQH đề nghị giải quyết thực trạng 'bất an, sợ sai'

Mai Loan 27/10/2022 10:31

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm giải quyết có hiệu quả thực trạng bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

Ngày 27/10, Quốc hội Thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023. Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý).

Theo đánh giá của ĐB Phan Viết Lượng (đoàn Bình Phước), dù nền kinh tế đã đạt được những kết quả trong trọng, song chất lượng năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế, thu ngân sách chưa cao, thiếu bền vững, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, an ninh trật tự an toàn xã hội còn nhiều diễn biến phức tạp.

Điểm nghẽn theo ông Lượng chính là trong nhiều năm qua việc thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp chưa đạt kết quả tích cực. Nguyên nhân chính do công tác chỉ đạo chưa tương xứng, việc ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm, chưa đồng bộ, hoặc ban hành văn bản chưa đúng gây khó khăn trong thực tế. Một số quy định chưa đồng bộ với những quy định pháp luật khác. Những hạn chế bất cập trên ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các lĩnh vực y tế. Đẩy mạnh tự chủ là yêu cầu cấp thiết, làm rõ những tồn tại, hạn chế và ban hành đầy đủ các văn bản theo quy định.

Ông Lượng bày tỏ băn khoăn lo lắng về chỉ tiêu tăng năng suất lao động năm 2022 dự kiến chỉ đạt 4,7-5,2%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Ông nói: “Kết quả như vậy là rất đáng lo ngại vì đây là nhân tố quan trọng trong phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Mức tăng này còn đang thấp hơn giai đoạn vừa qua, và có nhiều khoảng cách so với các nước trong khu vực”.

Ông cũng dẫn chứng rằng: “Chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố quyết định đến tăng năng suất lao động. Nhưng hiện nay nguồn nhân lực đang bước vào giai đoạn già hoá, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng mới đạt 27%, trong khi nhiều nước trên khu vực đạt trên 50%”.

Bên cạnh đó nhiều khu vực ngành nghề còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ đó cần đề án xây dựng tổng thể cải thiện tăng năng suất lao động. Có các giải pháp hiệu quả để tăng năng suất lao động trong thời gian tới để thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững kinh tế xã hội đất nước. Ưu tiên nguồn lực cho giáo dục đào tạo, sớm khắc phục việc lao động qua đào tạo thấp.

“Cử tri mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo đối với những tồn tại yếu kém kéo dài gây bức xúc dư luận. Như các công trình dự án treo, thua lỗ; những tồn tại qua cổ phần hoá hãng phim truyện Việt Nam; di dời trụ sở các bộ, ngành trên địa bàn TP Hà Nội”-ông Lượng cho hay.

Theo ĐB Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh), việc triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế còn chậm. Nhiều thủ tục còn rườm rà làm hạn chế khả năng tiếp cận của người dân. Giải ngân đầu tư công còn chậm, kỷ luật, kỷ cương giải ngân chưa được đảm bảo. Tiền lương chậm được điều chỉnh làm xảy ra hiện tượng cán bộ, công chức chuyển sang khu vực tư. Do đó trong năm 2023, ông Phương cho rằng, cần thực hiện một số giải pháp như: tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19 với các biến thể mới và các bệnh dịch khác nhằm đảm bảo an toàn xã hội, ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá các mặt hàng.

Đồng thời, cần theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế và thị trường tài chính thế giới để thực hiện một cách linh hoạt trong quá trình kết hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Công khai, minh bạch các thông tin về điều hành giá, không điều chỉnh tăng giá bất hợp lý.

Theo ông Phương, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong quản lý để đẩy nhanh tốc độ đầu tư công. Các địa phương cần chủ động tháo gỡ vướng mắc, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo hiệu quả công tác này.

Còn ĐB Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) nhìn nhận, cơ cấu của một số tổ chức tín dụng còn yếu kém, chưa phát huy hiệu quả. Xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, nhất là trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; còn một số cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 như đã đề ra, ông Thông đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm giải quyết có hiệu quả thực trạng bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý và có những giải pháp quyết liệt để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ĐBQH đề nghị giải quyết thực trạng 'bất an, sợ sai'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO