ĐBSCL được xem là vùng trọng điểm kinh tế của cả nước, nơi chiếm ¼ dân số quốc gia, đóng góp khoảng 22% GDP của cả nước, có thế mạnh về sản xuất lúa gạo, cây ăn trái, thủy sản nhưng lại được xem là “vùng trũng” về giáo dục và đào tạo.
Hậu Giang chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Từ sau khi có nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kết luận số 28 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng vùng ĐBSCL thời kỳ 2011-2020, Chính phủ cùng các Bộ ngành Trung ương tăng suất đầu tư trên nhiều lĩnh vực nhằm tạo đà cho vùng ĐBSCL cất cánh.
Về lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo, đến nay, vùng ĐBSCL hiện có 42 trường đại học, cao đẳng. Quy mô đào tạo hằng năm ở các cấp ĐH, CĐ, sau ĐH khoảng 130.000 sinh viên hệ chính quy, 4.260 học viên cao học và 232 nghiên cứu sinh. Nhân lực về y tế hiện có 332 xã chưa có bác sĩ. Chỉ có 5,1 bác sĩ/ vạn dân và 0,64 dược sĩ/ vạn dân.
Ông Võ Trọng Hữu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Xã hội, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Tây Nam Bộ cho biết: Đáng quan ngại là tình trạng mất cân đối nhiều ngành đào tạo ở các trường, đào tạo cung nhiều hơn cầu. Do vậy, sinh viên ra trường không có việc làm khá đông. Có ngành lên đến 40%-50%; trong khi đó, cán bộ cơ sở xã phường chỉ 18% có trình độ ĐH.
Giảng viên có trình độ sau ĐH, nhất là tiến sĩ ở các trường ĐH, CĐ còn ít;… Nhiều tỉnh ở ĐBSCL thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao làm hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương cũng như của vùng.
Một thực trạng đang diễn ra là tuy đào tạo nguồn nhân lực vùng ĐBSCL có bước phát triển, nhưng nguồn nhân lực chất lượng cao còn nhiều bất cập do chất lượng giảng viên có trình độ cao như: Giáo sư, Phó Giáo sư nhiều trường còn thấp và không đủ điều kiện đào tạo sau đại học.
Ý thức của người dân về học tập nâng cao trình độ văn hóa, nghề nghiệp hạn chế. Cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ giảng viên có trình độ giáo sư, phó giáo sư tập trung nhiều ở trường đại học Cần Thơ nên nhiều trường không đủ điều kiện đào tạo sau đại học. Các trường đại học bước đầu nhận thức về tầm quan trọng của liên kết đào tạo nên đã có 23 trường ĐH trong và ngoài vùng liên kết đào tạo trình độ sau ĐH.
Ông Trần Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Tiền Giang cho rằng: lực lượng lao động của tỉnh chưa qua đào tạo còn chiếm 60,28%. Số lao động có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ chỉ chiếm tỉ lệ 0,067%, tức trong số 1.000 lao động thì chưa tới một người có trình độ sau đại học. Chính sách hỗ trợ của nhà nước để đào tạo sau đại học và thu hút lực lượng cán bộ, công chức có trình độ sau đại học còn rất khiêm tốn. Chính vì vậy chưa khuyến khích được cán bộ công chức phấn đấu trong học tập sau đại học.
Theo ông Võ Trọng Hữu, không nhất thiết mỗi địa phương phải có trường ĐH. Nên chăng tạo điều kiện thuận lợi, có chính sách thu hút các trường ĐH có danh tiếng, đội ngũ giảng viên trình độ và năng lực chuyên môn cao xây dựng phân hiệu tại địa phương hoặc trung tâm vùng; từ đó tạo bước đột phá, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhanh yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các địa phương và vùng ĐBSCL. Mặt khác, cần phải khẳng định vai trò của TP Cần Thơ, trung tâm ĐBSCL trong việc đào tạo nguồn nhân lực.
Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhận định: Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị xác định TP Cần Thơ cần “mở rộng quy mô, cơ cấu hợp lý và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo đồng bộ, chú trọng đào tạo nghề, CĐ, ĐH để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cho thành phố và các tỉnh trong vùng”. Để làm được điều này, thành phố rất cần sự hỗ trợ từ các đơn vị đào tạo cũng như sẵn sàng phối hợp với các trường nói chung.
Thời gian qua, thành phố thực hiện nhiều đề án, chính sách về đào tạo cán bộ có trình độ sau ĐH như Đề án Cần Thơ 150 đào tạo nguồn nhân lực sau đại học và khuyến khích nguồn nhân lực về làm việc tại Cần Thơ. Sắp tới, Cần Thơ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học mở chi nhánh đào tạo tại TP Cần Thơ.
Theo bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang, muốn đẩy nhanh tốc độ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng ĐBSCL, thì việc tăng cường hợp tác giữa các trường ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng ĐBSCL rất cần thiết. Để làm được điều này, cần có sự vào cuộc của BCĐ Tây Nam Bộ để kết nối giữa các địa phương và các trường.