Kinh tế

Logistics với nỗi lo thiếu nhân lực chất lượng cao

Khanh Lê 28/03/2024 07:14

Với mức tăng trưởng từ 10-15% mỗi năm, logistics được coi là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao và đóng vai trò thiết yếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các công ty kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam hiện đang phải đối diện với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao.

baitren.jpeg
Khóa đào tạo lái xe nâng tại Trường Cao đẳng Hàng Hải 1, Hải Phòng. Ảnh: Thảo Lan.

Mới chỉ đáp ứng 40% nhu cầu

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI - Logistics Performance Index), thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines. Tốc độ tăng trưởng thị trường logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14-16%, tỷ lệ doanh nghiệp (DN) thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60 -70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP.

Được đánh giá là có nhiều triển vọng, tuy nhiên ngành logistics đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là vấn đề nhân lực. Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, số liệu điều tra DN gần đây nhất, Việt Nam có 34.476 DN dịch vụ logistics với tổng số 563.354 lao động đang làm việc. Thị trường logistics có sự tham gia của hơn 5.000 DN cung cấp dịch vụ logistics 3PL, trong đó, có những DN 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với các tên tuổi lớn nằm trong danh sách 50 công ty logistics thế giới lớn nhất như DHL, Kuehne + Nagel, DSV, DB Schenker…Tuy nhiên, DN Việt Nam chủ yếu nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa DN dịch vụ logistics với DN xuất nhập khẩu.

Thực tế để đáp ứng được sự phát triển của ngành, thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đơn vị đào tạo đã nỗ lực để cung ứng ra thị trường nguồn lao động có chất lượng cao. Dù vậy đến nay cả nước mới có 49 trường đại học tuyển sinh và đào tạo ngành/chuyên ngành logistics với tổng quy mô tuyển sinh là 4.100 chỉ tiêu và tổng số lượng đang theo học tại trường khoảng 7.000 sinh viên.

Ở bậc cao đẳng và trung cấp, có 54 trường cao đẳng và 11 trường trung cấp đào tạo nghề logistics với chỉ tiêu tuyển sinh tương ứng là 3.560 sinh viên cao đẳng và 2.815 học sinh trung cấp. Theo dự báo, trong 3 năm tới, các DN kinh doanh dịch vụ logistics sẽ cần thêm khoảng 18.000 lao động, trong khi các DN sản xuất, thương mại và dịch vụ sẽ cần hơn 1 triệu nhân sự có chuyên môn về logistics. Trong khi đó, nguồn cung lao động hiện tại cho dịch vụ logistics chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thực tế.

Xây dựng các bộ tiêu chuẩn nghề logistics

Quá trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế đang mang lại rất nhiều cơ hội cho Việt Nam để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như khu vực. Việc Việt Nam chủ động tích cực tham gia các tổ chức kinh tế lớn như Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC), Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, và một loạt các Hiệp định thương mại tự do với các nước hay nhóm các nước đã rộng mở cánh cửa cho DN Việt Nam thâm nhập vào các chuỗi cung ứng thế giới. Chính vì vậy, theo các kết quả dự báo của Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam, đến năm 2030, ngành logistics nước ta cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực, cũng như có nhu cầu khoảng 200.000 nhân lực logistics chất lượng cao có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, có kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ.

Ở góc độ DN, ông Nguyễn Thành Phương - Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ chia sẻ, tập đoàn đang tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực mới là logistics. Thế nhưng, khó khăn nhất của tập đoàn là tìm kiếm nguồn nhân lực đầu vào chất lượng cao. Mặc dù các trường đại học đã có ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng nhưng chất lượng đầu ra của sinh viên đang có khoảng cách lớn so với yêu cầu của DN (cả về kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm).

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Lê Tấn Dũng, logistics được xác định là ngành dịch vụ quan trọng của nền kinh tế. Với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 14-16% và quy mô 40 – 42 tỷ USD/năm, logistics hiện đang là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam.

Ông Dũng cho biết, mục tiêu của Việt Nam đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 8-10%; tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15-20%… Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi lĩnh vực logistics của Việt Nam cần tiếp tục phát huy mọi khía cạnh, trong đó, phát triển nguồn nhân lực là giải pháp quan trọng hàng đầu.

Để xây dựng đội ngũ nhân lực mạnh cho ngành logistics, nhiều ý kiến cho rằng cần sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, các DN logistics và các trường dạy nghề. Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách với DN nhằm xác định chính xác nhu cầu lao động và tuyển dụng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics…

Còn theo ông Đặng Đình Đào, giảng viên logistics của Đại học Kinh tế quốc dân, để phát triển ngành logistics, cần chú trọng khâu đào tạo nguồn nhân lực. Theo đó tập trung vào 3 mảng: đào tạo cán bộ logistics trong các cơ quan quản lý, bồi dưỡng và đào tạo lại cán bộ logistics trong các DN và đào tạo cán bộ phụ trách logistics tại các DN sản xuất để đảm bảo đầu ra cho DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Logistics với nỗi lo thiếu nhân lực chất lượng cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO