Kinh tế

Xuất khẩu và logistics trong nông nghiệp

N.Quang 25/12/2023 07:02

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), xuất khẩu gạo năm 2023 sẽ lập kỷ lục cả về khối lượng và kim ngạch với 8,3-8,4 triệu tấn, đạt 4,7- 4,8 tỷ USD.

anhto-bephai67.jpg
Năm 2023 sầu riêng dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam. Ảnh: H.Lài.

Số liệu từ Bộ NNPTNT cho hay, trong 11 tháng của năm 2023, xuất khẩu của toàn ngành nông - lâm - ngư nghiệp đạt 47,84 tỷ USD, vẫn giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tháng 11, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,8 tỷ USD, tăng 13% so với tháng 11/2022. Thặng dư thương mại ngành đạt 10,55 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

anh-nho-benphai67.jpg
Thứ trưởng Bộ NPNTNT Phùng Đức Tiến.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2023 rất khó khăn trong xuất khẩu, nhưng ngành nông nghiệp vẫn bám đuổi mục tiêu 54 tỷ USD. Trong tháng 12, nhu cầu tiêu dùng nông sản thế giới tăng lên để đáp ứng các đợt lễ Giáng sinh và năm mới, do đó xuất khẩu nông sản sẽ tăng. Với những lợi thế của rau quả, lúa gạo, hạt điều… cùng sự ổn định trở lại trong xuất khẩu lâm sản, thủy sản, dự tính xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 12 sẽ đem về hơn 5 tỷ USD. Như vậy cả năm sẽ đạt trên 53 tỷ USD, tiệm cận với con số 53,2 tỷ USD của năm 2022.

Tới nay, ngành nông nghiệp đã có 6 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD, gồm: cà phê, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ. Trong năm 2023, điểm sáng là xuất khẩu gạo và rau quả liên tục tăng vọt. Nói như nhiều chuyên gia thì gạo và rau quả đang là hai con “át chủ bài” của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Riêng đối với lúa gạo, trong 11 tháng, Việt Nam đã xuất khẩu 7,75 triệu tấn gạo; giá trị 4,41 tỷ USD, tăng 36,3% so với năm ngoái. Đây là con số kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Dự tính cả năm 2023 có thể xuất khẩu 8,3-8,4 triệu tấn gạo, kim ngạch 4,7-4,8 tỷ USD.

Với ngành rau quả, xuất khẩu trong tháng 11 đạt 500 triệu USD, tăng 65,2% so với tháng 11/2022. Tính chung trong 11 tháng năm 2023, trị giá xuất khẩu rau quả đạt 5,3 tỷ USD, tăng 74,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là sầu riêng đạt 2,07 tỷ USD, tăng 606,3%; mít đạt 168,6 triệu USD, tăng 35,5%; xoài đạt 154 triệu USD, tăng 41,4% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu nhóm sản phẩm rau quả chế biến đạt 996,5 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022.

Với sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 74%, đã đưa xuất khẩu ngành rau quả vượt xa mọi dự tính của chúng ta, lần đầu tiên con số 5 tỷ USD cho một mặt hàng nông sản đã được thiết lập.

ĐBSCL luôn dẫn đầu cả nước về xuất khẩu gạo và trái cây. Tuy nhiên, “nút thắt” nhiều năm qua chính là logistics, nên luồng hàng nông sản vẫn khó khơi thông.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giải quyết được bài toán vận chuyển, logistics của ĐBSCL khi nơi đây sở hữu hệ thống sông ngòi dày đặc với tổng độ dài trên 28.000km, trong đó khoảng 23.000km có khả năng khai thác vận tải thủy, trong khi chỉ có khoảng 10% hàng hóa được vận chuyển bằng đường thủy?

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ĐBSCL đóng góp cho cả nước khoảng 54% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu; gần 65% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây, đóng góp 40% giá trị sản xuất nông nghiệp.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), khoảng 90% hàng hóa từ ĐBSCL chuyển bằng đường bộ đến các cảng tại TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu để xuất khẩu, chỉ khoảng 10% là được chuyển bằng đường thủy. Trong khi đó, giá vận tải thủy thấp hơn đường bộ trung bình 30 - 35%, và có thể lên đến 50%.

VLA cũng cho biết, tại 13 tỉnh ĐBSCL, có 1.461 DN cung cấp dịch vụ logistics, chiếm khoảng 4,39% cả nước; trong đó DN logistics chuyên nghiệp rất hạn chế, chủ yếu là các DN nông nghiệp. Điểm lưu ý là hệ thống kho lạnh, kho mát phục vụ nông, thủy sản còn thiếu và dự báo sẽ càng thiếu hụt. Cụ thể chỉ có 3/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL có kho lạnh thương mại là Long An, Hậu Giang và Cần Thơ.

Như vậy, chỉ tăng cường đẩy mạnh sản xuất, chế biến là chưa đủ, mà còn cần phát triển dịch vụ logistics phục vụ nông nghiệp để tạo thành chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu và logistics trong nông nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO