Nằm trong đề án xây dựng thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” và “Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam”, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nghệ sĩ, nhà quản lý mỹ thuật, nhiếp ảnh... Nhiều ý kiến cho rằng, để triển khai được Đề án hiệu quả vẫn cần một lộ trình “dài hơi”.
Tác phẩm “Mầm sống”, tác giả: Trần Vũ Quang Duy (TP Hồ Chí Minh), giải Nhất Festival Nhiếp ảnh trẻ lần 2-2017.
Nâng tầm hình ảnh Việt Nam
Đây là 2 đề án do Bộ VHTTDL giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Cụ thể, theo họa sĩ Vi Kiến Thành- Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Đề án “Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam” là một mô hình tổ chức sự kiện nhiếp ảnh chưa từng có ở Việt Nam, thông qua một chuỗi các hoạt động nhiếp ảnh tại một số tỉnh, thành phố đăng cai tổ chức, có tiềm năng du lịch và di sản văn hóa, được tổ chức luân phiên 2 năm một lần nhằm tạo ra những tác phẩm, sản phẩm, sự kiện thúc đẩy sự nghiệp và thị trường nhiếp ảnh phát triển. Trong đó, Đề án này bước đầu khảo sát và trao đổi đã nhận được sự hưởng ứng của tỉnh Ninh Bình, TP Hội An (tỉnh Quảng Nam); TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) và Khu du lịch Bà Nà (TP Đà Nẵng)… Trong chuỗi sự kiện sẽ bao gồm tổ chức Hội chợ Nhiếp ảnh để giới thiệu và bán các tác phẩm nhiếp ảnh; tổ chức cho các nhiếp ảnh gia quốc tế đi sáng tác tại các địa điểm văn hóa, du lịch của địa phương, sau đó tổ chức triển lãm trưng bày mua bán tác phẩm, tổ chức các hội thảo, tọa đàm, giao lưu về nhiếp ảnh.
Còn Đề án “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam”, theo ông Thành, được triển khai với mục đích đưa ra những tiêu chí, quy chuẩn về chất liệu để làm sơn mài, quy trình chế tác sơn mài đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia. Tiêu chuẩn nghệ thuật và kỹ thuật để các sản phẩm, tác phẩm sơn mài đạt chuẩn thương hiệu “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam”. Đề án cũng xây dựng kế hoạch, nội dung để Việt Nam trở thành trung tâm của nghệ thuật sơn mài; Đăng cai tổ chức liên hoan nghệ thuật sơn mài quốc tế 2 năm 1 lần tại Việt Nam... Để từ đó thúc đẩy sự phát triển của sơn mài Việt Nam, kích thích thị trường tiêu thụ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sơn mài và tác phẩm hội họa sơn mài Việt Nam trong nước và quốc tế...
Gian nan chọn tiêu chí
Tuy nhiên, với mục đích và việc áp dụng vào thực tế dường như cả 2 Đề án vẫn chưa tìm tính khả thi. Bởi thực tế đây những vẫn đề còn quá mới mẻ với các địa phương gây trở ngại không nhỏ trong quá trình triển khai. Cụ thể, để tìm ra một thành phố xứng đáng để trao thương hiệu “Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam” phải đáp ứng 5 tiêu chí đó là có phong cảnh, thiên nhiên tươi đẹp, có các di sản lịch sử văn hóa, văn hóa vật thể và phi vật thể đã được UNESCO công nhận; có tiềm năng về du lịch; có khả năng và kinh nghiệm tổ chức các sự kiện văn hóa tầm quốc tế; có khả năng về kinh phí, nhân lực để tổ chức sự kiện Thành phố nhiếp ảnh; thuận tiện phương tiện đi lại, có sân bay hoặc gần sân bay. Tuy nhiên, nếu xét mặt bằng chung thì các thành phố “ứng cử” cho thương hiệu này đang gặp không ít trở ngại “thừa và thiếu” so với các tiêu chí. Thậm chí, Đề án này từng gửi tới tỉnh Lào Cai và một số tỉnh thành khác đề nghị phối hợp tổ chức nhưng đều bị từ chối. Chỉ có Ninh Bình, Hội An, Đà Nẵng và Đà Lạt đã bước đầu nhận lời.
Theo nhiếp ảnh gia Lê Bích, nếu được lựa chọn ông sẽ đề cử TP Sa Pa (tỉnh Lào Cao). Bởi địa điểm này có nhiều chất liệu để các nghệ sĩ nhiếp ảnh sáng tác. Mặc dù không có đường sân bay nhưng đường đi lên rất thuận tiện. Bên cạnh đó, giá cả khách sạn cũng hợp lý. Thế nhưng, chính vì có quá nhiều sự tiện lợi mà trong những năm vừa qua địa điểm này đang bị quá tải và không gian du lịch đang dần bị bóp méo.
Còn nhìn ở góc độ “làm nghề”, nhà phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến cho rằng, dù phong trào nhiếp ảnh ở Việt Nam đang phát triển mạnh trong những năm qua nhưng để xây dựng thành một thương hiệu quốc gia xem ra là hơi quá tầm. Ý tưởng về “Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam” chỉ có thể tạo cho các nhiếp ảnh một sân chơi giao lưu chứ khó “đặt nặng” vào việc sáng tác. Thực tế người chơi ảnh hiện nay đa phần là theo sở thích, chưa có thói quen sở hữu các tác phẩm nghệ thuật. Nhìn ngay từ thị trường nhiếp ảnh Việt Nam hiện nay hầu hết các cuộc bán mua tác phẩm dựa nhiều vào các mối quan hệ thân quen. Thậm chí vấn đề “nan giải” về bản quyền trong lĩnh vực nhiếp ảnh nhiều năm nay vẫn còn bỏ ngỏ.
Tại hội thảo, Đề án “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều về tính khả thi trong phương hướng phát triển. Họa sĩ Triệu Khắc Tiến dẫn chứng, Nhật Bản không phải là nơi khởi thủy của sơn mài nhưng giá của chất liệu này lại cao ngất ngưởng. Trong khi đó, các họa sĩ Việt Nam không phải ai cũng sử dụng chất liệu sơn mài truyền thống trong sáng tác mà đã có sự pha tạp. Bản thân ông vô cùng quan ngại trước việc sơn mài Nhật Bản lấn át sơn mài Việt. Nếu Việt Nam không gìn giữ và phát huy được chất liệu này quả là điều đáng tiếc bởi đất nước của chúng ta mới là nơi phát tích và sản sinh ra kỹ thuật vẽ sơn mài.
Dự kiến, trong thời gian tới Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo xin ý kiến của các chuyên gia tại Đà Nẵng.