Hiến pháp năm 2013 ngay từ khi ra đời đã lan toả mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Thành tựu lớn nhất, dễ nhận thấy là tinh thần thượng tôn pháp luật đã được nâng lên. Mỗi người dân trong xã hội đã thấy rõ hơn giá trị của Hiến pháp, biết sử dụng Hiến pháp như một công cụ quan trọng để bảo vệ chính mình, phát huy sáng tạo, tự tin hơn khi tiến hành các công việc trong đời sống.
Đặc biệt, vai trò của Mặt trận trong Hiến pháp cũng được cụ thể hóa, được quy định rõ ràng hơn.
GS.TS Trần Ngọc Đường.
GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm HĐTV về Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam: Cơ sở pháp lý để đẩy mạnh công cuộc đổi mới
Sau khi Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua, MTTQ các cấp đã tiến hành nghiên cứu, quán triệt những nội dung cơ bản của Hiến pháp, đặc biệt những nội dung mới về MTTQ cũng được quy định ở Điều 9. Qua học tập, nghiên cứu, tìm hiểu, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của Hiến pháp năm 2013, đó là cơ sở chính trị pháp lý cao nhất để đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện đất nước trong thời kỳ mới. Đặc biệt, đối với Điều 9 của Hiến pháp, với quan niệm truyền thống trước đây thì chỉ Quốc hội và HĐND các cấp mới được Hiến pháp quy định là cơ quan đại diện cho nhân dân thì ngày nay theo Hiến pháp năm 2013, không chỉ các cơ quan dân cử mà MTTQ Việt Nam cũng được Hiến pháp quy định là “đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”. Đây không những là quyền mà là trách nhiệm hiến định của MTTQ Việt Nam các cấp. Từ năm 2013, MTTQ Việt Nam đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, được Hiến pháp chính thức thừa nhận. MTTQ Việt Nam trở thành một trong những chủ thể đại diện hợp hiến, hợp pháp trong các quan hệ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, của công dân. Đây vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm rất nặng nề mà nhân dân thông qua Hiến pháp giao cho MTTQ Việt Nam.
Đối với những nội dung liên quan đến giám sát và phản biện xã hội, mặc dù đã được văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X đề ra nhưng chưa được Hiến pháp và pháp luật thể chế hóa nên trên thực tế chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện. Từ ngày Hiến pháp năm 2013 quy định về một nhiệm vụ và quyền hạn mới của MTTQ Việt Nam, giám sát và phản biện xã hội ngày càng được nhận thức sâu sắc với tư cách là một phương thức kiểm soát quyền lực Nhà nước của nhân dân thông qua MTTQ các cấp là người đại diện. Đối với giám sát xã hội, MTTQ các cấp không chỉ là chủ thể phối hợp với các cơ quan dân cử, các tổ chức thành viên mà còn là một chủ thể độc lập trong việc tổ chức thực hiện các cuộc giám sát xã hội. Theo đó giám sát và phản biện xã hội là chức năng mới của MTTQ Việt Nam, lần đầu tiên thông qua Hiến pháp được nhân dân giao cho MTTQ Việt Nam.
Do đó, để thực hiện các quy định mới này một cách đầy đủ, có hiệu lực, hiệu quả trong thực tế đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao nhận thức, tìm kiếm các phương thức và các hình thức giám sát, phản biện phù hợp.
Luật sư Đỗ Duy Thường, Nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Lắng nghe kiến nghị của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, MTTQ Việt Nam và Nhà nước đều là bộ phận của hệ thống chính trị. Tuy chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động có khác nhau nhưng đều là công cụ để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, sự phối hợp giữa Nhà nước và MTTQ Việt Nam là một tất yếu và xuất phát từ nhu cầu tự thân của MTTQ và Nhà nước. Củng cố, tăng cường đoàn kết phải trên cơ sở chính sách pháp luật đúng đắn. Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật và quản lý, tạo điều kiện để nhân dân được làm những việc mà pháp luật không cấm. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật để MTTQ và các đoàn thể thực hiện tốt vai trò xã hội… Phối hợp với Nhà nước thì MTTQ mới có khả năng và điều kiện thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của mình.
Luật sư Đỗ Duy Thường.
Nhà nước điều hành, quản lý xã hội bằng pháp luật, nhân dân là người trực tiếp thực hiện. Nhà nước cần tôn trọng sự phối hợp và tạo điều kiện để MTTQ và các đoàn thể động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng, quản lý, giám sát và bảo vệ Nhà nước.
Trong quá trình ra các Nghị quyết về quản lý và điều hành, cơ quan Nhà nước cần lắng nghe những kiến nghị của MTTQ và các tổ chức đoàn thể. Nhà nước căn cứ quy chế tổ chức và cơ chế hoạt động để giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước và MTTQ. Nhà nước cần thể chế hóa quyền hạn và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong việc tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XII và XIII: Tinh thần Hiến pháp lan tỏa trong đời sống xã hội
Các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương, MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, các Viện nghiên cứu, trường Đại học, các Hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức hữu quan khác bằng nhiều hình thức đã tiến hành tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Hiến pháp năm 2013. Hiến pháp 2013 có nhiều nội dung mới, cải cách về kinh tế, thể chế kinh tế và quyền tự do kinh doanh nhằm nâng cao nhận thức về Hiến pháp và ý thức chấp hành Hiến pháp, đảm bảo Hiến pháp được tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung và lĩnh vực kinh tế, kinh doanh nói riêng. Tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp quyền bước đầu đang dần lan tỏa trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Ông Nguyễn Văn Phúc.
Quốc hội khóa XIII và khóa XIV đã ban hành trên 100 luật, Bộ luật để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, trong đó có nhiều luật, Bộ luật về kinh tế và quyền tự do kinh doanh. Về thể chế đầu tư kinh doanh, thúc đẩy quyền tự do kinh doanh, Quốc hội đã ban hành 2 Luật được đánh giá là có sự cải cách, đột phá mạnh mẽ, đó là Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Doanh nghiệp năm 2014. Đáng chú ý, cụ thể hóa nguyên tắc hiến định mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Luật Đầu tư năm 2014 quy định 6 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh; bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bãi bỏ nguyên tắc doanh nghiệp chỉ được kinh doanh những ngành nghề ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Theo quy định của Luật, ngành nghề kinh doanh không được ghi trong nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà chỉ được ghi trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã bãi bỏ tội kinh doanh trái phép, trong đó có hành vi kinh doanh ngành nghề không ghi hoặc kinh doanh không đúng ngành nghề ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp...
Trên 5 năm triển khai thực thi Hiến pháp mới chưa phải là quãng thời gian dài nhưng kết quả bước đầu có ý nghĩa quan trọng và rất đáng ghi nhận. Việc sơ kết, đánh giá kết quả này là hết sức cần thiết để có thể rút ra những bài học quý giá và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp mới cho việc tiếp tục thực thi thành công Hiến pháp trong thời gian tới.