Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 209/QĐ- BVHTTDL về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”. Thời gian thực hiện Đề án từ năm 2019 đến năm 2030.
Ảnh: Đơn Dương.
Mục tiêu của Đề án nhằm bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS) đáp ứng yêu cầu “di sản văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu” góp phần cho sự phát triển bền vững văn hóa các DTTS Việt Nam. Đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các DTTS, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc.
Theo mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2021: Hoàn thành 100% việc kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các DTTS. Lập 10 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật thêu hoa văn, trang trí hoa văn liên quan đến trang phục truyền thống các DTTS được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Khôi phục trang phục truyền thống của 3 dân tộc đã mai một. Vinh danh từ 5 - 10 nghệ nhân ưu tú; nghệ nhân nhân dân về nghề thủ công liên quan đến trang phục truyền thống.
Bên cạnh đó, tổ chức 10 lớp tập huấn kỹ năng bảo tồn, phát huy trang phục các DTTS trong thời kỳ hội nhập và Cách mạng công nghệ 4.0; 20 lớp truyền dạy kỹ năng làm nghề dệt thổ cẩm và trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số. Xây dựng 5 mô hình trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm trang phục truyền thống; 5 mô hình bảo tồn và phát triển nguồn nguyên liệu, sản xuất, may thêu trang phục truyền thống.
Đồng thời, tổ chức 2 cuộc Liên hoan trình diễn trang phục các DTTS; Tổ chức 3 Ngày hội Sắc màu văn hóa các dân tộc, Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam gắn với Ngày Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, Ngày di sản Việt Nam...; Xây dựng trang web giới thiệu quảng bá về trang phục truyền thống gắn với quảng bá văn hóa các DTTS; Định kỳ tổ chức trình diễn trang phục truyền thống các DTTS gắn với các lễ hội văn hóa hoặc các sự kiện của địa phương.
Đến năm 2022, Đề án phấn đấu: 100% học sinh trường dân tộc nội trú các tỉnh, thành phố triển khai mặc trang phục truyền thống 2 buổi/tuần và các dịp lễ, tết, hội. Hỗ trợ 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm về trang phục truyền thống.
Giai đoạn 2026 – 2030: Lập 10 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật thêu hoa văn, trang trí hoa văn liên quan đến trang phục truyền thống các DTTS được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vinh danh từ 20 - 30 nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân về nghề thủ công liên quan đến trang phục truyền thống của các DTTS. Tiếp tục xây dựng mô hình bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các DTTS…
Đề án cũng đề ra một số nhiệm vụ trong tâm như: Tổ chức khảo sát, đánh giá, tiến hành kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các DTTS; Bảo tồn, khôi phục và phát huy di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các DTTS; Tổ chức tập huấn về phương pháp bảo tồn, phát huy và kỹ năng truyền dạy bảo tồn trang phục truyền thống các DTTS; Tổ chức triển khai mặc trang phục truyền thống tại các trường dân tộc nội trú tỉnh, huyện; Tổ chức truyên truyền, quảng bá và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trang phục truyền thống các DTTS gắn với phát triển du lịch...