Kiểm soát và xử lý mạnh tay cát “tặc” trong thời gian qua có lẽ là cơn cớ để giá cát trong 2 tháng qua tăng đột biến. Nếu như cách đây chỉ 1 tháng, giá cát tăng trung bình 220.000 đồng/m3, nay tiếp tục tăng kỷ lục 450.000 đồng/m3. Nhóm lợi ích đang chiếm ưu thế, trong khi chưa có chiến lược và giải pháp thực phù hợp.
Cần có những giải pháp kịp thời để bình ổn giá cát.
Nếu như thời điểm đầu tháng 5, giá các loại cát nguyên khai (chưa qua chế biến) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng bình quân từ 10.000đ đến 30.000đ/m3 so với thời điểm cuối tháng 3 và tăng gấp đôi so cùng kỳ năm trước, thì giá cát đã qua công nghệ chế biến sạch theo quy chuẩn, bán tại kho loại 2.0-2.3 là 330.000đ/m3, loại 1.8-<2.0 là 270.000đ/m3, loại 1.6-<1.7 là 230.000đ/m3.
Giá cát san lấp đã qua sàng rửa sạch 115.000đ/m3, như vậy, bình quân giá cát các loại tăng đã từ 15.000đ đến 70.000đ/m3.
Tương tự, giá cát các loại tại khu vực sông Hồng (Phú Thọ, Hà Nội, Vĩnh Phúc…) cũng đồng loạt tăng từ 15.000 - 50.000 đ/m3, chưa bao gồm phí vận chuyển.
Số liệu khảo sát hiện nay, thông tin từ Bộ Xây dựng, cát san lấp trong tháng 6 đang có giá 200.000 đồng/ m3, cát xây tăng lên 250.000 đồng/m3, đặc biệt cát bê tông tăng mạnh nhất lên 450.000 đồng một m3. Như vậy, tính đến thời điểm này, giá cát đã tăng thêm tới 40% đến 60% so với thời điểm “sốt” giá đầu tháng 5.
TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam cho biết, sự tăng giá phần lớn do nhu cầu của thị trường khan hiếm. Song sự bất thường ở đây là chưa có sự ảnh hưởng quá lớn giữa cung và cầu trong nhu cầu nguyên liệu cát xây dựng. Thực tế, nhu cầu nguyên liệu cát tăng dần theo năm.
Từ thời điểm năm 2000 nhu cầu là 60 triệu m3/năm, đến 2010 là 72 triệu m3/năm, đến 2015 là 92 triệu m3/năm và dự kiến đến năm 2020 là khoảng 130 triệu m3/năm.
Tuy nhiên, lượng doanh nghiệp gia nhập khai thác cát trong những năm qua cũng tăng mạnh. Chỉ tính riêng 2 “vựa cát” lớn là Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực sông Hồng đã có gần 250 doanh nghiệp.
Dù có chuyện lượng cung thiếu hụt do từ việc ngăn chặn cát trái phép song cũng không đến mức giá cát tăng đỉnh điểm trong vòng 2 tháng qua.
Giá cát tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới xây dựng, làm đội giá nhiều công trình. Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ về tình hình đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông tổ chức mới đây, chiến dịch tăng giá của nhóm lợi ích thuộc lĩnh vực cát đã khiến nhiều công trình trọng điểm bị ảnh hưởng nghiêm trọng về cả tiến độ lẫn khả năng đội vốn. Đó là các công trình cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Quốc lộ 60…
Tại phía Bắc các dự án xây dựng, bất động sản… cát chiếm tỷ trọng lớn trong xây dựng, san lấp. Sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ kiểm soát nạn cát tặc không có nghĩa khiến giá cát tăng cao như vậy.
“Ở đây là sự đầu cơ của doanh nghiệp, nhóm lợi ích, giống như những bất thường đã xảy ra ở nhiều lĩnh vực khác. Chính phủ đã đến lúc cần có những giải pháp kịp thời để bình ổn giá cát”- ông Sơn Minh Thắng, Phó trưởng thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, việc sử dụng cát nhân tạo đã được thực hiện ở một số công trình xây dựng. Cụ thể là công trình thủy điện Sơn La, 90% lượng cát sử dụng để xây lắp là cát nhân tạo.
Cũng theo TS Phạm Sỹ Liêm, cát và sự bình ổn giá cát chỉ là những giải pháp tạm thời. Chính phủ và Bộ Xây dựng phải giải bài toán vì sao, ai khiến cho cát tăng giá?
Vai trò điều tiết của nhà nước sẽ như thế nào để xây dựng không phải là của những ông lớn ngành cát. Một thực tế tại Việt Nam, lượng cát xuất khẩu (chưa tính đến lượng cát chui) đang dần chiếm ưu thế so với lượng cát sử dụng trong nước.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguồn tài nguyên cát hiện nay ước tính còn khoảng 2 tỷ m3. Với nhu cầu sử dụng đến năm 2020 khoảng 130 triệu m3/ năm, có lẽ chỉ khoảng 20 năm nữa, nguồn tài nguyên quý giá này sẽ thực sự cạn kiệt và sẽ không chỉ còn là câu chuyện về giá. Kiểm soát giá cát, quản lý nguồn tài nguyên không tái tạo, cần chiến lược cụ thể hơn là những giải pháp trước mắt.