Để học thêm không trở thành gánh nặng - Bài 3: Bớt bệnh thành tích để giảm sức ép học thêm

Nguyễn Hoài 20/09/2023 09:30

Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, quy định mới không phân biệt môn chính, môn phụ; không tính điểm trung bình chung tất cả các môn… của Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT được đánh giá là tiến bộ. Tuy nhiên, sau 3 năm vận hành, nhiều ý kiến cho rằng, quy định này có thể dẫn đến việc học sinh sẽ học thêm nhiều hơn để đạt các danh hiệu “Học sinh Xuất sắc”, “Học sinh Giỏi”.

Để đạt danh hiệu “Học sinh xuất sắc”, học sinh cần ít nhất 6 môn học đạt điểm trung bình 9,0.

Số lượng khen thưởng giảm

Thông tư số 22/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (gọi tắt là Thông tư 22) quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT áp dụng từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp 6; từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023 - 2024 đối với lớp 8 và lớp 11; từ năm học 2024 - 2025 đối với lớp 9 và lớp 12.

Về quy định khen thưởng cuối năm học, việc khen thưởng học sinh được quy định tại Điều 15 Thông tư 22. Cụ thể, khen thưởng danh hiệu “Học sinh Xuất sắc” đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt và có ít nhất 6 môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn đạt từ 9,0 điểm trở lên; Khen thưởng danh hiệu “Học sinh Giỏi” đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt và kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt, trong đó có ít nhất 6 môn học đạt từ 8,0 điểm trở lên.

So với thông tư hiện hành, quy định mới của Thông tư 22 sẽ không phân biệt môn chính, môn phụ; không tính điểm trung bình chung tất cả các môn học; không còn xếp loại Yếu, Kém. Những thay đổi trong đánh giá, khen thưởng này được nhiều người công tác trong ngành giáo dục đánh giá là tiến bộ và nhân văn hơn.

Ông Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) phân tích, nhiều môn học được đánh giá bằng nhận xét chỉ ở một trong hai mức Đạt hoặc Chưa đạt, học sinh sẽ thấy nhẹ nhàng hơn, giảm bớt áp lực. Bên cạnh đó, Thông tư 22 đi vào thực chất hơn, sẽ không còn tình trạng khen thưởng tràn lan, chỉ những em đạt kết quả cao thực sự mới được vinh danh. Số đông còn lại ở mức Đạt là phù hợp với thực tế. Đối tượng được khen thưởng theo Thông tư 22 sẽ khó đạt hơn so với trước đây, vì thế số lượng cũng sẽ ít đi.

Bảng điểm một học sinh đạt danh hiệu “Học sinh Xuất sắc”.

“Chạy đua” học thêm để đạt danh hiệu?

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đánh giá theo Thông tư 22 có thể dẫn đến việc học sinh sẽ học thêm nhiều môn hơn để đạt danh hiệu “Học sinh Xuất sắc” hay “Học sinh Giỏi”. Nếu như trước đây học sinh học thêm ít nhất 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh thì nay các em sẽ cần thêm 3 môn nữa mới đủ điều kiện để khen thưởng.

Kết thúc năm học 2022 - 2023, con trai chị Nguyễn Thu Hương (quận Đống Đa, Hà Nội) là một trong hai học sinh đạt danh hiệu “Học sinh Xuất sắc”. Khoe bảng điểm học tập của con, chị Hương không giấu được niềm vui. Trong số 12 môn học, con trai chị có 6 môn học đạt kết quả học tập trên 9,0. Cụ thể, môn Toán là 9,5; môn Tiếng Anh 9,0; môn Giáo dục công dân 9,6; môn Công nghệ 9,0; môn Tin học 9,1; môn Khoa học Tự nhiên 9,0. Ngoài ra, hai môn Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý, em cũng đạt gần chạm mức 9,0.

Để có được kết quả đó, chị Hương cho hay: “Con tôi học thêm gần như kín lịch trong tuần. Mỗi tuần con học thêm 2 buổi do thầy cô trên lớp tổ chức và 2 buổi học thêm môn Tiếng Anh ở trung tâm. Vào các buổi tối, con học thêm gia sư tại nhà. Kiến thức học theo chương trình mới tôi thấy nặng hơn so với chương trình trước đây nên nếu không cho con học thêm tôi sợ con khó đạt được danh hiệu như mong muốn”.

Em Dương Quỳnh Nhi, học sinh lớp 7 (Hà Nội) cho biết, nhiều bạn của em bị “sốc” vì vốn là học sinh giỏi 5 năm bậc tiểu học nhưng khi lên lớp 6, kết quả học tập chỉ đạt mức Khá. Năm học 2022 - 2023, Nhi cũng là một trong số ít học sinh trong lớp đạt danh hiệu “Học sinh Xuất sắc”, còn lại 2/3 lớp, các bạn đạt danh hiệu “Học sinh Giỏi”. Nhi tâm sự, trong số các môn học theo chương trình mới, môn Khoa học Tự nhiên có kiến thức tích hợp của 3 phân môn: Vật lý, Hóa học và Sinh học. Thế nên để đạt kết quả 9,2 môn Khoa học Tự nhiên, Nhi phải dành thêm thời gian học thêm kiến thức Vật lý và Hóa học, còn môn Sinh học em gặp ít khó khăn hơn.

Giải quyết từ gốc rễ

Ông Trần Mạnh Tùng - Giáo viên Toán (Hà Nội) cho rằng, đánh giá theo cách mới là tiến bộ song cũng đòi hỏi học sinh một cách toàn diện hơn (lấy điều kiện 6 môn thay vì 3 môn) trong khi thế mạnh của mỗi học sinh khó đạt được ở cả 6 môn. Chương trình GDPT 2018 thực tiễn sau 3 năm triển khai, thầy và trò đều nhận thấy chương trình còn nặng. Các môn, các bài đều muốn xây dựng cho ưng nhất nhưng cảm giác bị tham kiến thức, kỹ năng nên dạy và học rất vất vả. Mặt khác, hiện nay rất nhiều trường đại học tuyển sinh bằng việc xét học bạ THPT, vì thế học sinh cũng phải đầu tư cho kết quả đánh giá này.

Với đánh giá mới thách thức hơn, chương trình thay đổi nhiều dẫn đến việc học sinh phải tìm đến các lớp học thêm. Tuy nhiên theo góc nhìn của chuyên gia, quy định của Thông tư 22 không phải là nguyên nhân chính dẫn tới việc dạy thêm, học thêm tràn lan.

“Tâm lý chuộng bằng cấp vốn là “căn bệnh” lâu năm của đại bộ phận phụ huynh. Hơn nữa, hiện nay mục đích chính của học sinh đi học thêm chủ yếu là phục vụ cho các mốc thi cử. Như vậy, gốc rễ của việc học thêm là câu chuyện tuyển sinh”, ông Tùng nêu quan điểm và cho rằng, trong bối cảnh trường học chưa đáp ứng nhu cầu đầu vào của học sinh, các kỳ thi với tỷ lệ chọi cao thì không nên định kiến việc dạy thêm, học thêm là cái xấu. Điều quan trọng là, cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra các quy định để dạy thêm, học thêm không nảy sinh các tiêu cực.

Đồng quan điểm, bà Trịnh Diệu Hằng - Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An cho rằng, gốc rễ của việc dạy thêm, học thêm một phần vẫn là bệnh thành tích và áp lực thi cử. Trong khi, hiện nay thời gian trên lớp không đủ để thầy cô luyện kỹ năng và rèn học sinh thói quen tự học thì học sinh vẫn tìm đến học thêm. Khi sĩ số lớp chưa giảm tải, học sinh chưa học được cách tự học cộng thêm áp lực thi cử thì việc dạy thêm, học thêm vẫn chưa thể thuyên giảm.

Không phủ nhận rằng, một bộ phận nhỏ giáo viên đang làm cho việc dạy thêm trở nên xấu xí, nhưng bà Hằng bày tỏ: “Chúng ta đang nhìn nhận ở mặt tiêu cực, trong khi giáo viên dạy thêm cũng là một lao động trí óc chính đáng và có mối quan hệ cung - cầu với người học”.

Ông Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (Nghệ An):

Mong giáo viên sống được bằng lương

Ngành giáo dục đang bất lực với vấn nạn dạy thêm, học thêm. Nguyên nhân dẫn tới vấn nạn này đã được các chuyên gia giáo dục phân tích. Tôi nêu một số nguyên nhân chính như: Sự tha hóa của giáo viên dẫn đến dùng nhiều chiêu trò ép buộc học sinh; tâm lý ganh đua của cha mẹ muốn con mình không thua kém con người ta; sự lỏng lẻo trong công tác quản lý của các cấp, các ngành liên quan; sự thiếu khung pháp lý và chế tài để xử lý; một phần có sự quá tải của chương trình và thi cử nặng nề...

Giải pháp căn cơ và quan trọng nhất là làm sao giáo viên phải sống được bằng lương của mình. Thứ nhất, cần tăng học phí và có cơ chế chi nguồn học phí cho việc dạy thêm phụ đạo trong các nhà trường miễn phí; nghiêm cấm mọi hoạt động dạy thêm có thu phí trong nhà trường. Thứ hai, nghiêm cấm giáo viên dạy các môn văn hóa ở các trường công lập dạy thêm ở các trung tâm, không được mở lớp dạy thêm bất kỳ ở đâu. Thứ ba, xây thêm các trường THPT ở những nơi có nhu cầu, cải cách các trường nghề cho hiệu quả và thực chất. Cuối cùng là tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước, xử lý nặng các tổ chức, cá nhân vi phạm.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để học thêm không trở thành gánh nặng - Bài 3: Bớt bệnh thành tích để giảm sức ép học thêm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO