Để kẻ gian không dễ giả danh công an

Lê Anh Đức 30/07/2016 09:30

Theo quy định, khi lực lượng công an thực thi công vụ thì phải xuất trình thẻ ngành, kèm theo lệnh hoặc giấy giới thiệu của thủ trưởng đơn vị (trừ những trường hợp truy bắt tội phạm khẩn cấp). Song, lâu nay có không ít cán bộ, chiến sĩ “quên” thủ tục này mà chỉ xưng danh công an khi làm nhiệm vụ. Đây chính là kẽ hở để không ít kẻ lợi dụng giả danh công an trấn lột, lừa tiền... của người dân.

Ảnh minh họa. Nguồn: zing.vn.

Từ giả danh công an qua điện thoại...

Theo báo cáo của Viện KSND TP HCM với HĐND thành phố này, thời gian qua phương thức hoạt động của tội phạm trên địa bàn ngày càng tinh vi hơn, đáng chú ý là có nhiều vụ giả danh công an, VKS đe dọa, bắt chuyển tiền vào các tài khoản chỉ định để chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.

Phương thức của các đối tượng là gọi điện đe dọa đang điều tra một vụ án có liên quan đến người đó, rồi yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để kiểm tra tiền “sạch” hay tiền “bẩn”, hoặc chuyển tiền để giúp “chạy án”.

Điều đáng nói là không chỉ ở TP HCM, mà loại tội phạm này đang có xu hướng lan rộng ra toàn quốc. Đơn cử, mới đây một người dân tại TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) đã bị một nhóm đối tượng giả danh công an lừa đảo tới 500 triệu đồng.

Theo thông tin từ Công an TP Bảo Lộc, sáng 21/7, bà Phạm Thị Hường (trú tại phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc) nhận được điện thoại từ số máy lạ của một phụ nữ tự xưng là cán bộ điều tra Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đang điều tra một vụ án ma túy mà bà Hường có liên quan.

Ngạc nhiên ở chỗ, người phụ nữ trên nắm rõ tên, tuổi, địa chỉ, thậm chí cả số CMND của bà Hường và đọc ra vanh vách. Người này đe dọa rằng đã có 2 người trong đường dây ma túy trên bị công an bắt giữ, tới đây sẽ bắt cả bà Hường để điều tra. Nếu muốn “tại ngoại” thì phải chuyển ngay 500 triệu đồng vào tài khoản chỉ định để kiểm tra xem tiền “sạch” hay tiền “bẩn”. Sợ bị bắt, bà Hường đã chuyển số tiền theo yêu cầu vào tài khoản do các đối tượng chỉ định.

...Tới giả danh công an trên đường

Trước đó vài ngày, Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) cũng đã bắt được hai nghi can giả danh công an lừa cướp xe máy người đi đường. Cụ thể, tối 12/7, trong lúc anh Trần Hoàng Đức (SN 1989, trú tại xã Phước Tân, TP Biên Hòa) điều khiển xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm lưu thông trên đường Thành Thái để rẽ ra đường Võ Nguyên Giáp (thuộc địa phận xã Phước Tân, TP Biên Hòa) thì bất ngờ bị hai thanh niên đi xe Exciter (trong đó có một người mặc sắc phục công an) từ phía sau vượt lên ép xe anh vào lề đường, yêu cầu xuất trình giấy tờ để kiểm tra.

Sau khi kiểm tra giấy tờ và bên trong cốp xe, 2 thanh niên buộc anh Đức ngồi lên xe để chở tới “chốt” làm việc. Đi một đoạn 2 thanh niên cố tình làm rơi giấy tờ xe của anh Đức xuống đường và yêu cầu anh xuống lấy. Khi anh Đức vừa xuống xe nhặt giấy tờ thì các đối tượng trên liền vù ga chạy mất mang theo chiếc xe máy và hơn 40 triệu đồng bên trong cốp xe của anh Đức.

Tới đêm 19/7 Công an TP Biên Hòa đã bắt được 2 nghi can trên khi đang tiếp tục giả danh công an để lừa lấy xe máy của người dân.

Cũng trong khoảng thời gian này, Công an quận Tân Bình (TP HCM) cũng đã thực hiện lệnh bắt đối với Trần Bình Lâm (SN 1985, trú tại quận 11, TP HCM) về hành vi giả danh công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đến thời điểm bị bắt, Lâm đã thực hiện trót lọt 8 vụ lừa đảo bằng cách giả danh công an trên địa bàn nhiều quận của TP HCM.

Đâu là nguyên nhân?

Trao đổi với chúng tôi, LS Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, theo quy định thì lực lượng công an khi thi hành công vụ đều phải xuất trình thẻ ngành, ngoài ra còn phải có lệnh bắt, giữ, giam... của Thủ trưởng cơ quan CSĐT (đã được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn), hoặc giấy giới thiệu của thủ trưởng đơn vị khi tới làm việc với cá nhân, tổ chức. Chỉ trong một số trường hợp đặc biệt như bắt quả tang tội phạm, truy đuổi bắt giữ các loại tội phạm nguy hiểm có vũ khí chống cự quyết liệt thì thủ tục trên mới được phép bỏ qua.

Song lâu nay, không phải tất cả cán bộ, chiến sĩ công an đều “nhớ” và thực hiện nghiêm chỉnh quy định trên. Có không ít cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng cảnh sát khi thi hành công vụ chỉ mặc sắc phục và xưng là công an mà không trình ra thẻ ngành để chứng minh nhân thân.

Đơn cử như lực lượng CSGT khi tuần tra, kiểm soát trên đường và yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe để kiểm tra cũng hầu như không bao giờ xuất trình thẻ CAND, thậm chí không hiếm chiến sĩ còn không thực hiện việc chào theo quy định điều lệnh nội vụ của chính ngành công an.

Cộng thêm vào đó là tâm lý chung của không ít người dân ngại “va chạm” với lực lượng công an. Bởi vậy, bỗng nhiên một ngày đẹp trời bị vài người mặc sắc phục công an chặn lại giữa đường kiểm tra giấy tờ, hoặc đến cửa hàng “hỏi thăm” thì đa số người dân đều quên không xác định đó có phải là công an thật hay giả, hoặc nếu có nhớ thì cũng không dám hỏi thẻ ngành.

Theo LS Ứng, bên cạnh việc tăng cường trấn áp các loại tội phạm, trong đó có loại tội phạm giả danh công an, thì lực lượng công an cũng cần chấn chỉnh và xử lý nghiêm khắc những cán bộ, chiến sĩ không thực hiện đúng điều lệnh nội vụ, vi phạm các quy trình, thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để kẻ gian không dễ giả danh công an