Khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh thì phát triển kinh tế tư nhân đang trở thành yếu tố quan trọng. Theo ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cần mở rộng phạm vi cho kinh tế tư nhân được tham gia trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế mà họ có thể làm được.
PV: Thưa ông, ông nghĩ sao khi trong thời gian qua các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch, song kinh tế tư nhân vẫn có sự tăng trưởng, đóng góp cho sự phát triển của đất nước?
Ông Trần Văn Lâm: Ngay sau đổi mới, Đảng đã có chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, coi đây là một trong những động lực quan trọng có thể trở thành động lực chính của phát triển kinh tế. Kinh tế tư nhân chỉ cần ra đường lối mới là phát triển, nó giống như Nghị quyết về khoán 10 trước đây vậy. Nghĩa là kinh tế tư nhân phù hợp với quy luật thực tiễn, động lực, nội lực phát triển để bung ra rất mạnh mẽ, chỉ cần có chủ trương đường lối gợi mở là phát triển. Trong giai đoạn hiện nay Đảng một lần nữa nhận thức và quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân nếu phát triển sẽ là động lực chính tạo nên tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước chúng ta tiến kịp với thế giới.
Trong thời gian qua, dịch Covid-19 khiến các lĩnh vực kinh tế khác khó khăn, nhưng kinh tế tư nhân đã thể hiện sự năng động. Đó là luôn tìm ra các phương án để ứng phó, thích ứng với môi trường. Do đó, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 song kinh tế tư nhân tiếp tục tăng trưởng, phát triển mạnh hơn các lĩnh vực kinh tế khác, luôn ở trong Top tăng trưởng cao so với các lĩnh vực kinh tế khác của đất nước. Cho nên trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân yên tâm đầu tư, kinh doanh và phát triển.
Theo ông, có hay không thái độ phân biệt với thành phần kinh tế tư nhân?
- Quan điểm của chúng ta là không phân biệt các thành phần kinh tế. Đó là quan điểm của Đảng, nhưng trong thực tiễn hiện nay thì vẫn có sự phân biệt nhất định. Trong các chính sách thì trọng tâm vẫn là hỗ trợ cho kinh tế nhà nước. Chính những cái này thể hiện sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Ở tầm vĩ mô còn có những cái như thế, nói gì ở tầm các bộ ngành, địa phương. Nhìn sâu xa hơn nó vẫn là quan điểm lợi ích. Các lĩnh vực kinh tế nhà nước khi Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, hay 100% vốn nhà nước thì nhân sự do các cơ quan nhà nước chi phối, ví như việc bổ nhiệm các nhân sự. Không phải tất cả song các doanh nghiệp này vẫn ở dạng “sân sau” của một vài lĩnh vực quản lý nhà nước. Cho nên vẫn “vận động chính sách” để “sân sau” được hưởng lợi ích từ chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước, và sau đó phục vụ trở lại một phần cho các cơ quan này. Đây là cái chưa dứt bỏ được.
Vừa qua chúng ta mới chuyển, tách toàn bộ các doanh nghiệp có vốn nhà nước ra khỏi quản lý của các bộ, ngành về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước SCIC để tách bạch giữa quản lý nhà nước với hoạt động của doanh nghiệp. Bây giờ chưa tách được hết và phương án đó chỉ là tình huống “chữa cháy” trước mắt để tách hoạt động quản lý nhà nước ra khỏi hoạt động của doanh nghiệp. Nó chỉ giảm bớt phần nào yếu tố chính sách “sân sau”, phục vụ cho doanh nghiệp của nhà mình. Thế nhưng vẫn chưa ổn bởi với quy mô vốn khổng lồ như thế SCIC chưa định hình được quản lý thế nào để phát huy vai trò hiệu quả. Tức là hiện chúng ta chỉ gom vào, và đó là điều rất trăn trở. Cho nên quan điểm của tôi là phải triệt để cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Những lĩnh vực nào tư nhân làm được để cho tư nhân làm. Lĩnh vực nào tư nhân không làm được nhưng vì lĩnh vực đó là thiết yếu của nền kinh tế thì Nhà nước phải đứng ra gánh vác để mở đường cho kinh tế tư nhân phát triển.
Vậy, theo ông chúng ta cần những chính sách hỗ trợ như thế nào trong thời gian tới cho kinh tế tư nhân?
- Như đã nói, thứ nhất cần mở rộng phạm vi cho kinh tế tư nhân được tham gia trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế mà họ có thể tham gia được. Đẩy nhanh thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước để Nhà nước rút dần vốn ra khỏi các lĩnh vực hiện nay đang chi phối. Những dự án hợp tác công tư PPP cần có cơ chế chính sách để kinh tế tư nhân tham gia, gánh vác cùng.
Thứ hai cần hoàn thiện chính sách, không để tạo ra các kẽ hở. Điển hình như vừa rồi khi làm các dự án BOT giao thông, một mặt tạo ra, thúc đẩy hạ tầng giao thông, phát triển mạnh mẽ đường cao tốc trong thời gian ngắn để phát triển kinh tế. Song bên cạnh đó tạo ra hệ lụy là một số dự án BOT tính giá vốn cao lên, thời gian thu phí dài lên, mức phí cao lên nhằm có lợi cho một số nhà dầu tư. Đó chính là lỗ hổng chính sách. Cho nên, phải hoàn thiện các chính sách đi kèm để các doanh nghiệp hoạt động trong khuôn khổ pháp lý ổn định, bình đẳng, có môi trường tốt.
Trân trọng cảm ơn ông!