Để Luật MTTQ Việt Nam sớm đi vào cuộc sống

Anh Vũ 02/06/2016 15:19

Ngày 2/6, tại Hà Nội, Ban soạn thảo, Tổ biên tập các Nghị quyết liên tịch hướng dẫn Luật MTTQ Việt Nam tổ chức góp ý xây dựng Nghị quyết liên tịch hướng dẫn thi hành các điều 27, điều 34 của Luật MTTQ Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội (Nghị quyết liên tịch). Dự buổi góp ý có  Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam  Nguyễn Văn Pha.

Để Luật MTTQ Việt Nam sớm đi vào cuộc sống

Quang cảnh buổi làm việc.

Dự thảo Nghị quyết liên tịch gồm 4 chương, 16 điều trong đó quy định hình thức giám sát bao gồm các quy định về các loại văn bản được giám sát, phương thức nghiên cứu, xem xét văn bản, căn cứ tổ chức đoàn giám sát, xây dựng kế hoạch giám sát, ban hành quyết định thành lập đoàn giám sát, thông báo về quyết định giám sát; Trình tự, thủ tục giám sát; Báo cáo kết quả giám sát; Giám sát thông qua hoạt động của Ban TTND và Ban GSĐTCCCĐ.

Về hình thức phản biện xã hội quy định về hình thức tổ chức hội nghị phản biện xã hội, hình thức gửi dự thảo văn bản được phản biện đến các cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến phản biện xã hội. Hình thức tổ chức đối thoại trực tiếp giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam với cơ quan tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện xã hội.

Dự thảo Nghị quyết liên tịch cũng quy định về trách nhiệm và quyền của UB MTTQ Việt Nam các cấp về xây dựng chương trình kế hoạch giám sát, phản biện xã hội, giám sát việc giải quyết những kiến nghị sau giám sát và phản biện xã hội..

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết liên tịch các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập cho rằng cần làm rõ các khái niệm về giám sát và phản biện xã hội. Cần xác định rõ mục đích thẩm quyền của các đoàn giám sát, trình tự giám sát, hoạt động giám sát như thế nào. Đối với việc phản biện xã hội các ý kiến góp ý tập trung đề nghị làm rõ khái niệm, phạm vi phản biện là gì, có quy trình và bước đi cụ thể. Nên xác định việc phản biện xã hội cần dựa trên việc đưa ra luận cứ khoa học để thẩm định đánh giá về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước với tính khách quan, xây dựng…Việc có quy định rõ, cụ thể thì hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam mới thực sự có cơ chế và đạt hiệu quả trên thực tế.

Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha, Luật MTTQ Việt Nam đã dành riêng một chương quy định về hình thức giám sát, một chương quy định về hình thức phản biện xã hội. Tuy nhiên để UBMTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên Mặt trận có điều kiện, cơ sở pháp lý cụ thể để triển khai thực hiện, việc cụ thể hóa một cách đầy đủ và toàn diện điều 27 và điều 34 với những hình thức phù hợp cho việc thực hiện hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam để Luật MTTQ Việt Nam sớm đi vào cuộc sống.

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha khẳng định, trên cơ sở tiếp thu những ý kiến góp ý của các thành viên, sẽ tập trung hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết liên tịch và các báo cáo trong tháng 6/2016 để gửi Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để Luật MTTQ Việt Nam sớm đi vào cuộc sống