ĐBQH đề nghị bổ sung hành vi lập chốt thu phí sử dụng đường bộ trái pháp luật vì thực tiễn đã xảy ra nhiều trường hợp người dân tự ý lập chốt thu phí, nhất là trong trường hợp sạt lở cục bộ.
Ngày 21/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đường bộ. ĐB Nguyễn Thị Huế (Đoàn Bắc Kạn) đề nghị, bổ sung hành vi lập chốt thu phí sử dụng đường bộ trái pháp luật vì thực tiễn đã xảy ra nhiều trường hợp người dân tự ý lập chốt thu phí, nhất là trong trường hợp sạt lở cục bộ. Mặt khác bà Huế viện dẫn rằng, theo Nghị định 100/2029/NĐ-CP có quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xây dựng hoặc thành lập trạm thu phí đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước đồng ý. Do đó việc bổ sung hành vi này vào điều cấm là phù hợp.
Theo ĐB Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) trong thực tế hiện nay, phát sinh việc kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, nhưng thực tế, về bản chất lại kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, chở khách di chuyển thường xuyên hàng ngày cùng một điểm đi và điểm đến việc này đã tác động tiêu cực đến việc thực thi pháp luật, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị kinh doanh vận tải và tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông. Do đó, đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Liên quan đến việc dự thảo Luật quy định đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký hợp đồng vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe, nghĩa là mỗi chuyến xe hợp đồng chỉ được chở một hành khách hoặc một nhóm khách duy nhất, ĐB Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) cho rằng, việc Ban soạn thảo đưa ra quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng núp dưới bóng xe hợp đồng để kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định. Tuy nhiên điều này lại đang vô tình làm hạn chế một loại hình vận tải hành khách phổ biến ở nhiều quốc gia khác đó là mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng dưới 10 chỗ thông qua các nền tảng gọi xe trực tuyến.
Bà Yên phân tích rằng, mô hình này mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, vì có thể tối đa hóa số lượng người di chuyển trong một chuyến đi. Do đó sẽ giúp giảm đáng kể lưu lượng xe lưu thông trên đường và giải quyết phần nào tình trạng tắc nghẽn giao thông.
Từ đó, bà Yên đề nghị rà soát và điều chỉnh theo hướng vừa kiểm soát tình trạng “xe dù, bến cóc” nhưng vẫn tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ được hoạt động. “Đây cũng là cách thiết thực để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc dần tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển vận tải hành khách công cộng, giảm thiểu khí thải nhà kính, sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực của xã hội để phát triển đất nước nhanh và bền vững”-bà Yên nêu quan điểm.
Trước đó, ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cho biết, căn cứ ý kiến ĐBQH, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý các quy định tại Chương I (những quy định chung), trong đó tập trung chỉnh lý Điều 1 (phạm vi điều chỉnh), Điều 2 (giải thích từ ngữ), Điều 4 (chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ), Điều 5 (Quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, hệ thống đường địa phương, đường đô thị), Điều 6 (Cơ sở dữ liệu đường bộ), Điều 7 (các hành vi bị nghiêm cấm); bỏ Điều 2 (đối tượng áp dụng), chuyển Điều 7 (hệ thống giao thông thông minh) sang Điều 40 của dự thảo Luật.