Ngày 19/6, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã trình Quốc hội dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH).
Theo đó, dự thảo Luật gồm 9 chương, 65 điều. Ông Quang cho biết, Chương I về quy định chung gồm 11 điều quy định về phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động PCCC và CNCH. Trong đó, đã luật hóa và bổ sung quy định về hoạt động CNCH để cụ thể hoá và thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; đồng thời, quy định bao quát hơn các nội dung có liên quan đến quản lý về PCCC đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Chương II về phòng cháy gồm 9 điều. Dự thảo Luật bên cạnh việc kế thừa đã bổ sung các quy định mới để khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoạt động phòng cháy; quy định cụ thể hơn trách nhiệm, yêu cầu trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và nâng cao hơn nữa yêu cầu, trách nhiệm trong việc quản lý, cung ứng, sử dụng điện và thiết bị điện có liên quan đến cháy, nổ.
Chương III về chữa cháy gồm 12 điều. Dự thảo Luật tiếp tục kế thừa quy định của Luật hiện hành, có chỉnh lý, bổ sung một số quy định để khắc phục những vướng mắc, bất cập và nâng cao hiệu quả hoạt động chữa cháy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC.
Đáng chú ý, theo ông Quang tại Chương IV về CNCH gồm 7 điều, quy định về: Phạm vi hoạt động CNCH của lực lượng PCCC và CNCH; tổ chức CNCH; quyền, trách nhiệm của người chỉ huy CNCH; huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia CNCH; xây dựng, thực tập phương án CNCH; trách nhiệm CNCH; ưu tiên và bảo đảm quyền ưu tiên cho lực lượng, phương tiện tham gia CNCH.
Thẩm tra vấn đề trên, ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội cho biết, Ủy ban Quốc phòng an ninh cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật PCCC và CNCH.
Ông Tới cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật PCCC và CNCH nhằm thể chế đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về PCCC và CNCH; luật hoá những quy định hiện hành và bổ sung quy định đầy đủ, toàn diện về hoạt động CNCH mà lực lượng PCCC và CNCH đang được giao đảm nhiệm nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để nâng cao hiệu quả công tác này trong thực tiễn; khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập đang tồn tại, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH trong tình hình mới.
Liên quan đến chính sách của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (Điều 4) có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về chính sách phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCCC, CNCH. Huấn luyện, diễn tập PCCC, CNCH. Có chính sách về đảm bảo đầu tư, phân bổ nguồn lực phục vụ PCCC, CNCH phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng miền. Chính sách bảo vệ, hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong hoạt động PCCC và CNCH. Chính sách huy động các tầng lớp nhân dân, các lực lượng tham gia PCCC, CNCH, Ủy ban Quốc phòng và an ninh cơ bản nhất trí quy định của dự thảo Luật và đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các nội dung trên, trong đó ưu tiên chính sách đưa công tác giáo dục, tuyên truyền về PCCC và CNCH vào trường học.