Đúng như dự báo, năm nay thưởng Tết có xu hướng giảm hơn so với mọi năm. Đáng chú ý sự chênh lệch giữa các mức thưởng khá lớn. Có người nhận mức thưởng Tết lên tới gần 1 tỷ đồng song cũng có hàng chục nghìn lao động không có Tết vì mất việc.
Xuất hiện những mức thưởng khủng
Là thủ phủ của các khu công nghiệp, các doanh nghiệp chịu tác động mạnh bởi khủng hoảng kinh tế, nhưng năm nay Bình Dương vẫn ghi nhận con số thưởng Tết cao ngất ngưởng. Theo báo cáo, mức thưởng Tết Dương lịch ở Bình Dương cao nhất là 38 triệu đồng/người, Tết nguyên đán Quý Mão cao nhất là 896 triệu đồng/người.
Ông Dương Văn Tuyên - Phó Giám đốc sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương cho biết, sở đã tiếp nhận báo cáo của 1.125 doanh nghiệp về tình hình thưởng Tết nguyên đán Quý Mão năm 2023. Trong đó, có 1.115 doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết nguyên đán năm 2023, 3 doanh nghiệp chưa có kế hoạch thưởng Tết nguyên đán, 7 doanh nghiệp không có thưởng Tết.
Tại TP Hồ Chí Minh trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh đã công bố những con số thống kê đầu tiên liên quan tới thưởng Tết. Theo đó, có 144 doanh nghiệp ở quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh được khảo sát đều có thưởng Tết cho công nhân, lao động. Mức thưởng cao nhất là 300 triệu đồng/người.
Còn tại Vĩnh Phúc, sở LĐTB&XH cho biết, mức thưởng dịp Tết Dương lịch 2023 bình quân hơn 1,8 triệu đồng, cao hơn mức thưởng bình quân của năm 2021 (năm 2021 các doanh nghiệp báo cáo mức thưởng tết dương lịch bình quân là 1.696.647 đồng/người).
Đối với thưởng tết âm lịch, dự kiến mức thưởng bình quân là hơn 4,6 triệu đồng/người; cao nhất là 260 triệu đồng/người và thấp nhất là 100.000 đồng/người với lao động làm việc dưới 1 tháng.
Tại Công ty TNHH Tousei Engineering Việt Nam (địa bàn huyện Sóc Sơn, Hà Nội), ông Trần Sỹ Đức - Giám đốc công ty cho biết: Qua tham mưu, đề xuất của Công đoàn, công ty đã có kế hoạch để chăm lo Tết tốt nhất cho người lao động. Theo đó, công ty sẽ cố gắng bảo đảm tiền lương và dự toán thưởng Tết cho người lao động với mức cao nhất là 4 tháng lương, thấp nhất là 2,5 tháng lương.
Mang Tết đến cho người lao động
Thực tế cho thấy, 2022 là năm có nhiều biến động với thị trường lao động. Nếu như những tháng đầu năm ghi nhận sự phục hồi ngoạn mục với tỷ lệ tuyển dụng lao động sôi động thì những tháng cuối năm là “làn sóng” mất việc làm trên diện rộng.
Thưởng Tết cho người lao động không phải là yêu cầu bắt buộc với người sử dụng lao động. Mức thưởng nếu có cũng căn cứ trên nhiều yếu tố như tình hình tài chính, kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, mức độ hoàn thành công việc của người lao động… Tuy nhiên, lâu nay thưởng Tết dường như được xem là động lực để tăng năng suất lao động, chìa khóa để doanh nghiệp ổn định nhân lực. Trước nhu cầu này, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực tìm các giải pháp để lo Tết cho người lao động.
Tại Tổng công ty May Hưng Yên, dù đơn hàng ít song Tổng công ty vẫn nỗ lực đảm bảo thưởng Tết cho NLĐ bằng 2 tháng thu nhập trung bình. “Không còn được làm tăng ca, công nhân chúng tôi ai cũng buồn. Thế nhưng niềm vui vỡ òa khi mới đây, công ty đã công bố công khai lương thưởng Tết. Theo đó, mức thưởng Tết vẫn bằng năm ngoái với 2 tháng thu nhập trung bình. Mức thưởng này tăng hơn năm ngoái 10% do lương tối thiểu vùng tăng” - chị Nguyễn Thị May, công nhân Tổng công ty May Hưng Yên chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may, da giầy, thời điểm cuối năm vô cùng khó khăn, phần lớn các nhà máy phải giãn việc của người lao động. Song nhìn chung kim ngạch xuất khẩu của ngành vẫn vượt so với chỉ tiêu và lương của người lao động được điều chỉnh tăng. Mức thưởng Tết toàn ngành vẫn có sự tăng trưởng vượt bậc so với năm trước .
"Tiền lương bình quân 11 tháng đầu năm tăng khoảng 5-7%. Năm nay, công nhân ít nhất cũng được thưởng 1 tháng tiền lương", ông Dương cho biết.
Nhiều năm theo dõi lĩnh vực việc làm, ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) nhìn nhận, thực tế hầu hết các doanh nghiệp đều quan tâm và mong muốn có mức thưởng xứng đáng để động viên người lao động dịp Tết.
Ông Trung dự báo năm nay mức thưởng Tết có thể cao hơn so với năm trước. Bởi lẽ, bên cạnh các doanh nghiệp khó khăn về đơn hàng, vẫn có những doanh nghiệp, nhóm ngành phát triển, có lợi nhuận cao hơn thì chắc chắn thưởng Tết sẽ cao hơn năm trước. Theo ông Trung, tiền thưởng dịp cuối năm rất nhân văn vì hỗ trợ cả vật chất và tinh thần cho người lao động, song tùy vào điều kiện thực tế, từng doanh nghiệp sẽ có mức thưởng phù hợp.
Đồng quan điểm, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng thừa nhận, mỗi khi Tết đến, vấn đề luôn được người lao động quan tâm là chế độ thưởng Tết.
Cũng theo ông Quảng, thống kê của tổ chức Công đoàn cho thấy, đến nay chỉ có khoảng trên 1.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Điều đáng mừng là hiện một số doanh nghiệp lớn cũng đang đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp giúp giải quyết việc làm, thậm chí có những khoản tiền hỗ trợ nhất định để đảm bảo tất cả người lao động đều có Tết sum vầy, đầm ấm.
Co kéo để đảm bảo thưởng Tết cho công nhân
Trong bối cảnh cuối năm nay nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, thiếu nguyên liệu sản xuất, dự báo việc thưởng Tết có thể khó khăn hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn sẽ cố gắng co kéo để có thưởng Tết cho người lao động ít nhất là 1 tháng lương cơ bản, còn những công ty thuộc ngành nghề khác thì mức thưởng Tết vẫn bình thường như mọi năm. Với những doanh nghiệp quá khó khăn, phải cho người lao động nghỉ việc, các cơ quan chức năng cần ngồi lại với nhau, căn cứ vào kết quả khảo sát thực tế để bàn chính sách hỗ trợ thêm cho người lao động.
(Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH).