Đô thị

Để Thủ đô thực sự là điểm đến đáng sống

H.Vũ (thực hiện) 28/02/2024 07:06

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thẩm định, đang trong quá trình hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền xem xét. Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, phải huy động được nguồn lực thực hiện quy hoạch.

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về bản Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050? Và, theo ông làm sao để Thủ đô thực sự trở thành “điểm đến, yêu và đáng sống” đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới?

anh-bai-tren(6).jpg
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm.

TS.KTS ĐÀO NGỌC NGHIÊM: Qua quá trình thẩm định tôi thấy rằng bản quy hoạch lần này đã có nhiều cái mới. Trong đó có việc gia tăng dân số của Hà Nội. Trước kia, bản quy hoạch được duyệt năm 2011 xác định đến năm 2030 dân số chỉ tối đa 9,2 triệu dân. Nhưng bây giờ dự báo quy hoạch đã là 14 triệu dân. Bên cạnh đó, trước đây đặt ra vấn đề đưa 5-7 huyện lên thành quận nhưng lần này ngoài tiếp tục thực hiện mô hình đô thị vệ tinh, huyện lên quận thì đưa ra 2 mô hình mới là “thành phố trong Thủ đô” tại phía Bắc và phía Tây. Đặc biệt là trong đầu tư xây dựng phát triển tiến lên phía Bắc sông Hồng.

Năm 2003 lần đầu tiên nội đô Hà Nội đã vượt qua sông Hồng khi hình thành quận Long Biên được tách từ huyện Gia Lâm ra. Lúc đó còn đề xuất Đông Anh, Mê Linh và Thanh Trì nhưng chưa được thông qua. Còn lần này bản quy hoạch khẳng định lấy sông Hồng làm trục trung tâm, phát triển cả hai bên sông Hồng. Đặc biệt đẩy mạnh thành phố phía Bắc và một số huyện đưa lên thành quận. Tức là về không gian có nhiều cái mới, tiếp tục đô thị vệ tinh nhưng có 2 thành phố mới và khai thác sông Hồng làm trục trung tâm.

Vì vậy để thực hiện được quy hoạch, cần cụ thể hóa các định hướng trên, và đây là nhiệm vụ lớn đối với những người làm công tác quy hoạch và quản lý. Bởi phải cụ thể hóa 2 định hướng tại: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Nói như tinh thần của Trung ương đó là phải thực hiện tốt đầu tư xây dựng quản lý Hà Nội trên cơ sở 2 trụ cột, tức là 2 bản quy hoạch này.

Thứ hai, trên cơ sở quy hoạch đó, từng ngành phải cụ thể hóa quy hoạch của mình ra. Ví dụ như giao thông vận tải, hạ tầng kỹ thuật, phát triển công nghiệp, làng nghề… Phải chọn thứ tự ưu tiên để thực hiện vì quy hoạch có tầm nhìn dài hạn. Nếu không sẽ vấp phải vướng mắc như trong giai đoạn cũ, nghĩa là định hướng quy hoạch thì có nhưng tổ chức thực hiện quy hoạch thì chưa nhất trí.

Thứ ba, phải huy động được nguồn lực thực hiện quy hoạch. Ở đây nên ưu tiên nguồn lực xã hội hóa. Bài học vừa qua đã làm nhưng chưa đạt được như mong muốn. Nhiều khu đô thị được quảng bá như là nơi đáng sống, thân thiện, sinh thái. Gần đây là khu đô thị thông minh, tòa nhà trung tâm thương mại. Vậy vấn đề đặt ra là cần tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng. Nguồn lực phải có xã hội hóa. Muốn thế cần có cơ chế chính sách ưu tiên và cơ chế này đang rất mong chờ ở việc chúng ta đang sửa đổi Luật.

Thứ tư, trong phát triển phải lấy dân làm nguồn lực và trung tâm. Vừa qua chúng ta phát triển đôi khi vì mục tiêu lợi ích của doanh nghiệp. Lần này phải lấy dân làm trung tâm, kiên quyết thực hiện quy hoạch. Phải tổ chức thực hiện quy hoạch tốt và giám sát xử lý vi phạm. Bài học về phòng cháy chữa cháy trong thời gian vừa qua của Hà Nội thể hiện sự thiếu giám sát thực hiện quy hoạch, trong đó có vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương. Do đó cần tăng cường giám sát việc tổ chức thực hiện quy hoạch thường xuyên. Đây là cái chúng ta rất cần quan tâm trong thời gian tới.

anh-bo-sung-tr3.jpg
Cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng (Hà Nội). Ảnh: Quang Vinh.

Vậy theo ông làm sao để thực hiện được quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng?

- Đây là vấn đề đặt ra từ lâu. Bởi sông Hồng có vai trò rất đặc biệt với Thủ đô Hà Nội, không chỉ về lịch sử, văn hóa mà còn là vấn đề môi trường. Sông Hồng còn liên quan đến cả khu vực miền Bắc và liên quốc gia giữa Việt Nam - Trung Quốc. Chúng ta đã nghiên cứu rất sâu về vấn đề quy hoạch sông Hồng, và từ năm 1994 đã có quy hoạch hai bên sông Hồng để phát triển ở hai bên. Nhưng vướng ở chỗ tác động của dòng chảy và mực nước sông Hồng do thế sông cứ biến đổi. Theo tổng kết của người Pháp, trăm năm thế sông lại biến đổi một lần. Đến bây giờ là thời kỳ biến đổi thế sông, có 3 thế sông cơ bản thì hiện đều biến đổi. Mực nước sông biến đổi rất lớn, thấp nhất là 2m so với mực nước biển, còn cao nhất là 13m so với mực nước biển. Trong khi mực nước không chỉ do chúng ta điều tiết mà do từ thượng nguồn nữa.

Sông Hồng chảy qua phía Bắc, nhất là đoạn hơn 120 km chảy qua Hà Nội còn chịu tác động của các dòng sông khác như sông Đáy, sông Nhuệ, sông Đà. Vậy muốn khai thác sông Hồng, muốn đảm bảo an toàn thì phải có tầm nhìn đồng bộ hệ thống mặt nước của đồng bằng sông Hồng thì mới điều tiết được. Với biến đổi của dòng sông Hồng hiện nay có nhiều người còn gọi rằng đây là “dòng sông du đãng”. Vấn đề là áp dụng khoa học kỹ thuật làm thế nào để phát triển bền vững, đảm bảo an toàn chứ không phải lo sợ như thời gian vừa qua nữa.

Đây là vấn đề khó khi từ năm 1994 đã có quy hoạch nhưng vướng mắc hành lang dòng chảy, thoát lũ dòng chảy và đặc biệt biến đổi bất thường của dòng sông Hồng và mối liên kết liên quốc gia. Cho nên muốn khai thác sông Hồng trở thành trục trung tâm thì cần nghiên cứu đồng bộ và phải có tầm nhìn dài hạn, tránh các vướng mắc xảy ra trước đây.

Bản quy hoạch cũng xác định 5 trục không gian. Ông đánh giá như thế nào về 5 trục này?

- Đây không phải vấn đề mới vì trong các quy hoạch cũ, nhất là quy hoạch 1998, quy hoạch 2011 đã đưa ra các vấn đề trung tâm. Quan trọng là tổ chức thực hiện như thế nào? Lần này tích hợp lại của các lần quy hoạch trước. Nhưng vấn đề là nguồn lực thực hiện như thế nào? Cách giải phóng mặt bằng như thế nào chứ không phải “được đến đâu, làm đến đó”. Muốn hình thành từng trục một thì phải chú trọng công tác giải phóng mặt bằng. Đây là vấn đề còn khó khăn. Luật Đất đai sửa đổi vừa mới được ban hành, có hiệu lực từ 1/1/2025 thì công tác giải phóng mặt bằng cần phải được quan tâm, tổ chức phù hợp, cần có cơ chế chính sách ưu đãi như thế nào thì mới thực hiện được, nếu không tất cả chỉ là định hướng mà thôi.

Quan điểm của ông thế nào về việc trong quy hoạch xác định Hà Nội xây dựng thêm 1 sân bay nữa?

- Với vị trí của Hà Nội không chỉ là vị trí vùng Thủ đô mà còn vùng đồng bằng Bắc Bộ, vùng kinh tế trọng điểm, cộng với việc tăng dân số, sự phát triển của giao thông hiện nay thì việc Hà Nội có thêm sân bay thứ hai nữa là việc cần thiết. Từ năm 2011 chúng ta đã đặt vấn đề có sân bay thứ hai cho Hà Nội. Và nhất là hiện nay đang có những khó khăn trong việc mở rộng sân bay Nội Bài.

Đây là việc cần quan tâm nhưng phải cân đối giữa các ngành, các lĩnh vực và phải có sự phù hợp trong liên kết với các địa phương.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để Thủ đô thực sự là điểm đến đáng sống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO