Đề xuất chuyển bệnh viện thuộc bộ cho Thủ đô quản lý: Cần cân nhắc kỹ lưỡng

Đức Trân 11/08/2023 09:30

Những ngày qua, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tiếp tục được đưa ra bàn thảo. Trong đó, đề xuất “chuyển giao các bệnh viện Trung ương trên địa bàn về cho Hà Nội quản lý” nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức nội soi điều trị chấn thương khớp cổ chân cho bệnh nhân. Nguồn: BV Việt Đức.

Cụ thể, dự thảo đề xuất hai phương án, một là chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô về TP Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện của các trường đại học. Việc chuyển giao các bệnh viện thuộc hạng đặc biệt, các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành thuộc Bộ Y tế thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quyết định. Phương án hai là giữ nguyên, không có quy định nội dung này trong dự thảo.

Được biết, Luật Thủ đô sửa đổi là thể chế hóa, cụ thể hóa những quan điểm chỉ đạo từ Nghị quyết 19, 20 đã được Ban Chấp hành Trung ương thông qua. Cụ thể, Nghị quyết 20 nêu về cơ bản, các Bộ (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), các cơ quan ngang bộ không chủ quản các bệnh viện, Bộ Y tế chỉ chủ quản một số rất ít bệnh viện đầu ngành.

Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, đây là cơ chế chính sách mang tính chiến lược của hệ thống. Việc này đi theo mô hình quốc tế, tất cả cơ sở y tế trên thế giới đều được quản lý trên địa bàn. Bộ Y tế là cơ quan chuyên môn cao nhất của ngành, xây dựng cơ chế chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, để chỉ đạo, điều tiết các hoạt động chuyên môn của cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc.

Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, quan điểm của Bộ Y tế là đưa nội dung nói trên ra khỏi dự thảo vì nhiều lý do. “Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế quản lý là các cơ sở y tế đầu ngành của cả nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Phổi trung ương… có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam và Hà Nội. Theo Nghị quyết 19 thì các bệnh viện này đủ tiêu chí giữ lại trực thuộc Bộ Y tế” – ông Thuấn cho biết.

GS.TS Trần Văn Thuấn cũng cho rằng, hiện nay Bộ Y tế đang quản lý 30 bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành, đây là số rất ít so với tổng số 1.500 bệnh viện trên toàn quốc. Thế nhưng, nếu chuyển các đơn vị về trực thuộc Hà Nội thì sẽ làm giảm đầu mối của Bộ Y tế nhưng lại làm tăng đầu mối của địa phương.

“Trong khi đó, hiện Hà Nội có 42 bệnh viện công, 7 bệnh viện bộ, ngành khác ngoài Bộ Y tế, 43 bệnh viện tư nhân, 579 trạm y tế và 3.895 phòng khám đa khoa - chuyên khoa và cơ sở y tế tư nhân. Đó là chưa kể quản lý hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh dược, trang thiết bị các cơ sở y tế khối dự phòng, kiểm nghiệm. Thực tế, cho thấy các cơ sở y tế của Hà Nội hầu như chưa thực sự phát triển như của Trung ương hay các bệnh viện của TPHCM” – Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ.

Đồng quan điểm, giám đốc các bệnh viện lớn như Bạch Mai, E, K, Phổi Trung ương, Y học cổ truyền Trung ương... cùng đưa ra ý kiến trái chiều về nội dung này trong dự thảo Luật Thủ Đô.

Ông Trần Cao Bính - Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương phân tích, vai trò của Bộ Y tế là quản trị ngành y tế cả nước. Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội hiện nay đều là các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành, có cả hạng đặc biệt, là bệnh viện tuyến cuối, có tầm ảnh hưởng quốc tế và quan hệ quốc tế, phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, tương đương với các nước trong khu vực và thế giới.

Còn TS Nguyễn Công Hựu - Giám đốc Bệnh viện E cũng cho rằng, từ nhiều năm nay, tại các Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Nhi trung ương, Phụ sản trung ương, Bệnh viện K, Tai mũi họng trung ương, Bệnh viện E... đều là các cơ sở đào tạo thực hành cho các cơ sở đào tạo tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, trong đó có nhiều cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng như Trường Đại học Y Hà Nội.

“Hiện Bệnh viện E đang là cơ sở thực hành của Trường Đại học Y Hà Nội và Trường Đại học Y Dược – Đại học Quốc gia Hà Nội. Vậy nếu chuyển về trực thuộc Hà Nội, công tác đào tạo thực hành của các trường này có bị ảnh hưởng?” – ông Hựu nêu.

PGS.TS Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương nêu quan điểm, bệnh viện tuyến trung ương ngoài khám, chữa bệnh còn chức năng tham mưu cho Bộ Y tế về xây dựng phát triển ngành, danh mục kỹ thuật theo chuyên khoa áp dụng cho cả hệ thống. Các bệnh viện này cũng tham mưu, xây dựng cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế; nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học và công nghệ, chỉ đạo tuyến, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, triển khai các kỹ thuật mới xuống đến bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố.

Theo PGS.TS Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, nhiều bệnh viện chuyên khoa phục vụ cả khám, chữa bệnh và điều hành các chương trình quốc gia như Bệnh viện Phổi trung ương, phải đủ vị thế, vai trò để điều hành chương trình quốc gia, kêu gọi và thực hiện các chương trình quốc gia như chương trình quốc gia phòng chống lao. Nếu chuyển các bệnh viện thuộc Bộ Y tế về Hà Nội quản lý, thì Sở Y tế Hà Nội khó quản lý được về số lượng và quy mô các bệnh viện lớn. Trong khi Sở còn nhiều nhiệm vụ quản lý nhà nước khác về y tế công và y tế tư nhân trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề xuất chuyển bệnh viện thuộc bộ cho Thủ đô quản lý: Cần cân nhắc kỹ lưỡng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO