Ngày 1/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội. Qua biểu quyết 100% đại biểu đã tán thành đưa nội dung trên trình Quốc hội xem xét tại đợt 2 của kỳ họp thứ 9.
Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Không quy định mức trần thu phí
So với 6 cơ chế được cho ý kiến tại phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì tại phiên họp lần này, UBND TP Hà Nội đã đề xuất bổ sung thêm 3 nội dung gồm: HĐND TP Hà Nội quyết định một số khoản thu phí (ban hành danh mục, tăng mức); Ngân sách TP Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất; Ngân sách TP Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Việc quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù cho TP sẽ tạo động lực cho TP tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, giúp TP có điều kiện sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực đã có và huy động thêm nguồn lực để giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, giao thông, ngập úng.
Thẩm tra nội dung trên, liên quan đến việc cho phép tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí không quá 1,5 lần đối với các loại phí, ông Nguyễn Đức Hải- Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến đồng ý với đề nghị của Chính phủ, nhưng đề nghị không quy định trần tăng thu, mức tăng cụ thể do HĐND TP quyết định trên cơ sở thực tế và có sự đồng thuận của nhân dân…
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, không nhất thiết mức trần không quá 1,5 lần vì có cái có thể cao gấp 5-6 lần. Nhưng quan trọng mức thu phí đó phải nhận được sự đồng thuận của nhân dân, nếu tạo ra sự phản ứng là không đạt yêu cầu.
Cơ chế xử lý “xây trụ sở mới, không trả trụ sở cũ”
Một vấn đề nóng được nhiều ĐB quan tâm xoay quanh việc cho phép TP Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách bày tỏ quan điểm, khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn liền với đất sau khi trừ đi chi phí di dời, xây dựng trụ sở mới của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn TP thì số còn lại khoảng 30% là nguồn thu của ngân sách Trung ương nhưng Chính phủ xin cho phép TP được hưởng 50% khoản thu này để hỗ trợ cho TP có thêm nguồn lực đầu tư tốt hơn một số cơ sở hạ tầng quan trọng theo chiến lược phát triển Thủ đô đến năm 2030.
Bày tỏ quan điểm đồng tình với quy định trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Trên thực tế nhiều cơ quan xin xây dựng trụ sở mới rồi bán trụ sở cũ, nhưng xây xong không ai trả trụ sở cũ. Cho nên bây giờ phải nghiêm, chỉ trừ những trường hợp mở rộng trụ sở, và được Nhà nước cho phép giữ lại. Do đó đồng ý với việc TP được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất.
Liên quan đến việc nhiều cơ quan xây dựng trụ sở mới nhưng không trả lại trụ sở cũ, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ủng hộ việc cho phép TP Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất. Từ bất cập trên, bà Phóng kiến nghị: “Có thể Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoặc Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cần phải giám sát về vấn đề này”. Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng: “Các cơ quan, đơn vị được cấp đất xây dựng trụ sở mới thì phải trả lại đất cho Hà Nội. Bây giờ làm chưa nghiêm thì tới đây phải làm đúng quy định”. Nói như lời Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh thì: “Các bộ, ngành đã chuyển đi rồi nhưng không chuyển giao lại trụ sở, đất đai cho TP Hà Nội, Chính phủ cần có biện pháp, nếu không Hà Nội không thể thực hiện được chủ trương, chính sách của Quốc hội, Chính phủ”.