Sau câu chuyện về đề xuất của Trưởng phòng CSGT Hà Nội: mỗi người chỉ được đăng ký một chiếc xe ô tô, dư luận lại tiếp tục xôn xao xung quanh ý kiến, rằng cần giảm thời gian gia hạn trên giấy phép lái xe con từ 10 năm xuống còn 5 năm như cũ. Rất nhiều bàn luận xung quanh ý kiến này, đa số không đồng tình. Từ đó cho thấy xung quanh câu chuyện kéo giảm tai nạn giao thông, chống ùn tắc, vấn đề quản lý nói chung, quản lý lái xe nói riêng vẫn còn nhiều chuyện phải bàn.
Trước hết cần phải khẳng định rằng ý tưởng, vấn đề đưa ra của Trưởng phòng CSGT Hà Nội Đào Vịnh Thắng là sự trăn trở, hết lòng vì Thủ đô nói riêng, vấn đề giao thông cả nước nói chung. Bài toán Hà Nội đưa ra trao giải thưởng lớn cũng đã thu hút được không ít ý tưởng, sự quan tâm của nhiều người. Và rồi, những vấn đề, ý tưởng đưa ra, được dư luận quan tâm, trăn trở, mổ xẻ, càng thể hiện ý thức trách nhiệm của mọi người dân với xã hội.
Về lý do đưa ra đề xuất giảm thời hạn giấy phép lái xe con, theo ông Thắng, 10 năm quá dài, khoảng thời gian trên tài xế có thể ốm đau, sức khoẻ thay đổi dẫn đến việc lái xe không an toàn; cơ quan chức năng không quản lý được, gây ra những hệ luỵ trong đó có tai nạn giao thông…hàng năm lái xe cần được kiểm tra sức khoẻ. Các lái xe khi cấp bằng cần được cho điểm, bị trừ khi phạm lỗi, khi hết điểm phải học, sát hạch lại.v.v.
Vấn đề của Trưởng phòng CSGT TP Hà Nội về giảm thời gian giấy phép nhiều người không đồng tình. Chỉ nói riêng về những người có trách nhiệm, như với Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nguyễn Văn Thanh đã khẳng định ngay “không đồng tình với đề xuất này”. Lý do quy định đã được pháp luật như Luật Giao thông đường bộ, các Nghị định của Chính phủ quy định, được tính toán kỹ. Còn hàng năm các doanh nghiệp, đơn vị đều tổ chức khám sức khoẻ định kỳ, thậm chí khám đột xuất... Chủ tịch Hội An toàn giao thông Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cũng khẳng định, việc nâng thời hạn lái xe lên 10 năm (chỉ với xe con), là do sức khoẻ và tuổi thọ trung bình của người dân nâng lên, đặc biệt để cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt phiền hà cho người dân. Không nên đặt lại điều kiện thời hạn giấy phép lái xe, bởi mỗi lần thay đổi sẽ rất khó khăn phức tạp... Theo Chánh Văn phòng UBATGT Quốc gia Nguyễn Trọng Thái, hay ý kiến của đại diện Bộ Công an - Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp - đều khẳng định, mục tiêu nâng thời hạn giấy phép trước đó đã tính toán kỹ, nhằm mục đích cải cách hành chính, giảm phiền hà cho dân.
Vấn đề đã rõ, tuy nhiên vấn đề đặt ra, như chính Trưởng phòng CSGT Hà Nội nêu là vấn đề quản lý. Với lái xe, nói như Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh “có nghĩa cơ quan quản lý nhà nước không kiểm tra lái xe, không kiểm tra doanh nghiệp thường xuyên”, hay vấn đề kiểm tra, quản lý đang có vấn đề.
Mấy năm trước, khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng khi ấy từng khẳng định: mấu chốt trong việc giảm thiểu TNGT, ùn tắc giao thông là phải đầu tư, nâng cao hệ thống hạ tầng cho đồng bộ và hoàn chỉnh đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển- đường thuỷ nội địa, đồng thời tập trung nâng cao hiệu quả, hiệu lực nhà nước. Ông Thăng chỉ rõ, do công tác quản lý nhà nước chưa tốt, xử lý thiếu kiên quyết dẫn đến người dân không chấp hành nghiêm pháp luật, ngoài ra, một bộ phận cán bộ thực thi công vụ có tiêu cực, để xảy ra mãi lộ.
Những năm qua, việc đầu tư nâng cao hệ thống hạ tầng đã có nhiều kết quả, công tác quản lý cũng đã xiết chặt, các quy định pháp luật nâng cao chế tài đã được tiếp tục xây dựng, ban hành, và hiệu quả đã thể hiện rõ rệt khi tai nạn giao thông giảm. Vậy nhưng rõ ràng hiện nay, việc quản lý, xử lý vẫn còn thiếu kiên quyết, cán bộ thực thi không làm hết trách nhiệm, thậm chí có tiêu cực. Nói về việc kiểm tra lái xe, những công việc hàng ngày, như xe khách đường dài, đối tượng hay để xảy ra tai nạn nghiêm trọng, ngày nào lực lượng CSGT cũng kiểm tra thường xuyên. Nhưng một hành vi như xe chở quá tải, quá người, đã mấy CSGT leo lên xe đếm người, mà đa số chỉ thấy lái xe nhảy xuống đưa giấy tờ kẹp bất thường trong vài giây rồi lại lên xe chạy tiếp. Sự việc lâu nay vẫn diễn ra thường xuyên, trước thanh thiên bạch nhật, trước mắt người dân.
Vấn đề quản lý lái xe hàng ngày nói như vậy cũng mới chỉ là phần ngọn, còn quan trọng hơn nữa là quản lý phần gốc. Cần xiết chặt, thực hiện nghiêm chỉnh ngay từ khâu đào tạo, sát hạch lái xe. Cái giấy phép lái xe là sự đánh giá toàn diện, mọi điều kiện để người ta được ngồi sau tay lái. Bằng cấp giả là một chuyện, mà chuyện học giả, thi giả, kiểm tra lỏng lẻo ngay từ ban đầu cũng là những tác nhân tiếp tay cho những giấy phép lái xe, lái xe không đủ điều kiện, là vấn đề chính gây ra hệ luỵ, chứ không phải là việc kéo dài thêm thời gian.
Và đặc biệt, vấn đề quan trọng nhất vẫn là ý thức của người lái xe. Hầu hết mọi người lái xe đều có ý thức trách nhiệm với tấm giấy phép, với chính sinh mạng, cuộc sống của mình và người xung quanh. Đã có rất nhiều cuộc thi, những tấm gương những người lái xe giỏi, càng lâu năm càng có thêm kinh nghiệm, càng có ý thức về tấm bẳng, trách nhiệm của mình. Kỹ thuật phương tiện hiện đại càng phục vụ tốt cho việc quản lý, xử lý của các cơ quan chức năng. Còn nếu như phát sinh thêm những phiền hà về thủ tục hành chính, tốn kém về tiền bạc thì cuối cùng chỉ người lái chân chính là chịu thiệt, chỉ lợi cho những kẻ cơ hội, tiêu cực, tham nhũng mà thôi.