Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa có tờ trình gửi Bộ Tư pháp thẩm định về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Tại dự thảo, Bộ VHTTDL đề nghị bổ sung quy định về hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng là người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, người nổi tiếng hoặc những người có tài khoản mạng xã hội có số lượng đăng ký, theo dõi lớn. Ở đó, hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải đảm bảo yêu cầu: phải có văn bản thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện, khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên trang mạng xã hội khi có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm.
Bộ VHTTDL cũng đề xuất các nội dung liên quan đến quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như thuốc, thực phẩm chức năng, sữa, dịch vụ khám chữa bệnh...
Theo dự thảo, quảng cáo thực phẩm chức năng: phải có công dụng, tác dụng; khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, chữ viết phải rõ ràng, có màu tương phản với màu nền. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
Ngoài ra, trong tờ trình Bộ VHTTDL cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách quản lý hoạt động quảng cáo có yếu tố nước ngoài. Trong đó cho phép các doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài được trực tiếp cung cấp dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam, không bắt buộc phải hợp tác, đầu tư với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam...
Trong thời gian qua, với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, tần suất các nghệ sĩ xuất hiện quảng cáo cho các sản phẩm như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… ngày một dày đặc. Thế nhưng việc kiểm chứng chất lượng các sản phẩm đó ra sao thì vẫn đang là một dấu hỏi lớn cho người sử dụng. Đơn cử như việc mới đây hàng loạt nghệ sĩ như: Đức Thịnh, Ưng Hoàng Phúc, Ngân Quỳnh, Mỹ Uyên, Hoàng Sơn, Hoàng Mập... đã khiến dư luận xôn xao khi xuất hiện trong clip quảng cáo liệu trình “siêu giảm béo” sai sự thật của một phòng khám tại TPHCM. Cơ sở này sau đó đã bị xử phạt và tước giấy phép hoạt động, tuy nhiên các nghệ sĩ tham gia tiếp tay vẫn không hề có phản hồi trước công chúng.
Không chỉ là quảng cáo sản phẩm về thuốc, nhiều nghệ sĩ còn đồng loạt đăng bài tư vấn về tiền ảo, đầu tư vào tiền ảo như một chuyên gia tài chính mà bất chấp hậu quả. Gần đây nhất lại rộ lên hiện tượng khi một loạt nghệ sĩ đăng bài quảng bá đồ phong thủy trá hình “bói tử vi” trên trang cá nhân. Mặc dù không công khai nhưng bên cạnh nội dung giống nhau thì dưới bài đăng của các nghệ sĩ là việc chia sẻ link dẫn đến trang cá nhân của một người chuyên xem bói giải vận hạn.
Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý, tuy nhiên tình trạng này không giảm mà có chiều hướng gia tăng, biến tướng tinh vi, phức tạp hơn. Nguyên nhân là do chế tài chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa; áp lực dư luận chưa đủ mạnh nên các vụ việc sai phạm bị phát hiện, xử lý ồn ào một thời gian nhưng cuối cùng thì “đâu vẫn vào đấy”.